Dow Jones futures bật tăng hơn 400 điểm sau tuần đỏ lửa
Tính đến khoảng 11h30 sáng 21/6 theo giờ Việt Nam, hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (futures) tăng 414 điểm, hàm ý chỉ số cơ sở sẽ tăng gần 407 điểm khi thị trường chính thức mở cửa, tương đương tỷ lệ 1,39%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng tăng tương ứng 1,58% và 1,67%.
Ngày 20/6, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ, vì vậy 21/6 là phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.
Trong tuần vừa qua, S&P 500 và Dow Jones đánh rơi lần lượt 5,8% và 4,8%. S&P 500 ghi nhận tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2020 và đã giảm trong 10/11 tuần gần đây nhất.
So với đỉnh lịch sử, Nasdaq Composite và S&P 500 đã mất tương ứng 33% và 23%, cùng chìm sâu trong vùng thị trường gấu. Dow Jones thủng mốc 30.000 điểm và kém 18,8% so với đỉnh, tạm thời ở trong vùng điều chỉnh.
CNBC dẫn lời ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại tập đoàn tài chính Nationwide, nhận định: “Đợt lao dốc gần đây của thị trường chứng khoán và sự xoay chuyển của tâm lý nhà đầu tư khiến cho xác suất thị trường tạo đáy ngày càng nhỏ. Các nhà đầu tư đang hành động theo cảm xúc, nhưng các thông tin cơ bản đang bắt đầu biến động theo sự suy yếu của các nhân tố kỹ thuật”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ ra điều trần trước hai viện Quốc hội vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này (22 và 23/6). Ngày 15/6 vừa qua, các quan chức Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản – mức tăng mạnh bạo nhất kể từ 1994 – nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát đang ở đỉnh 40 năm.
Ông Powell sẽ trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Mỹ về định hướng chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: ổn định giá cả và toàn dụng việc làm.
Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý tới một số dữ liệu vĩ mô sắp được công bố, bao gồm doanh số bán nhà sẵn có, để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Một số thống kê mới đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục, doanh số bán lẻ đi xuống và thị trường nhà ở hạ nhiệt trong bối cảnh nỗi lo suy thoái lan rộng.
Nền kinh tế được coi là rơi vào suy thoái nếu GDP suy giảm hai quý liên tiếp. GDP của Mỹ đã giảm 1,5% trong quý I và nhiều nhà kinh tế đang dự báo tăng trưởng sẽ rất thấp trong quý II, một biến cố nhỏ nhất cũng có thể khiến GDP tiếp tục đi xuống.