|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones vọt lên hơn 600 điểm, nhóm dầu khí dẫn dắt chứng khoán Mỹ

07:18 | 22/06/2022
Chia sẻ
Sau khi trải qua tuần đỏ lửa giữa những lo ngại về suy thoái, lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 21/6 đã hồi phục một phần. Sắc xanh lan tỏa khắp 11 nhóm ngành.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên 21/6.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày thứ Hai (20/6). Vào phiên thứ Ba (21/6), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 641 điểm, tương đương 2,15%, và kết phiên ở 30.530 điểm. Hôm 16/6 tuần trước, chỉ số gồm 30 blue chip này lao dốc xuống dưới mốc 30.000 điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.

S&P 500 tăng 2,45% lên gần 3.765 điểm, đánh dấu phiên tích cực nhất kể từ đầu tháng 6. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thêm 2,51% và đóng cửa ở 11.069 điểm.

S&P 500 bật tăng mạnh trong phiên 21/6.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực sau khi S&P 500 vừa ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Theo CNBC, giữa những lo ngại ngày càng lớn về suy thoái kinh tế, nhiều nhà đầu tư cho rằng một đợt hồi phục trên thị trường chứng khoán sẽ không thể kéo dài.

Một số nhà đầu tư khác lại đánh giá các cổ phiếu đang trong tình trạng quá bán (oversold) và thị trường cần phải phản ánh áp lực lạm phát vào giá một cách chính xác hơn.

“Câu hỏi cấp thiết nhất hiện nay là phiên tăng này chỉ là cú nảy nhất thời hay thực sự là đáy”, ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research, nhận định. “Tôi nghĩ đây chỉ là cú nảy chứ chưa phải đáy vì vẫn còn thiếu một nhân tố quan trọng là sự bán tháo ồ ạt khi nhà đầu tư đầu hàng trước nỗi sợ hãi”.

Ông Stovall cho rằng chỉ số S&P 500 có thể sẽ rơi xuống còn khoảng 3.200 điểm rồi sau đó mới hồi phục, tức là mất thêm 15% so với hiện nay và kém 36% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi đầu năm 2022.

Những phiên hồi phục kiểu như ngày 21/6 đã diễn ra khá phổ biến trong thị trường gấu hiện nay. Kể từ đầu tháng 1, S&P 500 đã có 10 phiên tăng hơn 2%. Nhưng sau tất cả những phiên đó, chỉ số đều đi xuống sâu hơn.

Theo CNBC, phiên 21/6 khó có thể làm nên sự khác biệt khi không có thông tin lớn hay chất xúc tác quan trọng nào hỗ trợ.

 S&P 500 hiện nay kém 21,5% so với đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 1/2022.

Đà hồi phục trong phiên 21/6 lan tỏa rộng khắp với 11/11 nhóm ngành và 441/500 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh. Nhóm dầu khí tăng vượt trội so với các ngành còn lại khi giá dầu thô đi lên.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên trong phiên 21/6, nhóm dầu khí tăng mạnh nhất.

Các cổ phiếu năng lượng như Diamondback Energy và ExxonMobil vọt lên lần lượt 8,2% và 6,2%, Occidental Petroleum và Marathon Oil tăng tương ứng 3,9% và 3,1%.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng hỗ trợ đắc lực cho thị trường. Apple và Amazon đi lên lần lượt 3,3% và 2,3%. Alphabet (công ty mẹ của Google) bật tăng 4,1%. Các cổ phiếu ngành bán dẫn như Nvidia, KLA và Advanced Micro Devices tăng tương ứng 4,3%, 4,9% và 2,7%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục nhích lên. Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất.

 Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện nay cao gấp hơn hai lần ngày đầu năm 2022. 

Ở thị trường châu Âu, các chỉ số chứng khoán lớn của Anh, Pháp, Đức đều đóng cửa phiên 21/6 trong sắc xanh. Tại châu Á, nhiều thị trường cũng đi lên, ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc.

Đa phần chỉ số chứng khoán thế giới đi lên trong phiên 21/6.

Vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này (22 và 23/6), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ ra điều trần trước lưỡng viện Quốc hội về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.  Tuần trước, các quan chức Fed đã quyết định đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ năm 1994 nhằm cố gắng kiềm chế lạm phát đang ở vùng đỉnh 40 năm.

Đức Quyền - Song Ngọc