Dow Jones có chuỗi tăng điểm 5 phiên nhờ loạt báo cáo KQKD vượt kỳ vọng
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 14/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã nhích thêm 114 điểm, tương đương 0,33% và đóng cửa ở mức 34.509 điểm - đánh dấu ngày tăng thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,1%, chốt phiên với 4.505 điểm. Nasdaq Composite tụt nhẹ 0,18% xuống còn 14.114 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, đã có lúc cả S&P 500 và Nasdaq Composite lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Tính theo tuần, chỉ số Dow Jones đã ghi nhận kết quả tốt nhất kể từ tháng 3, tăng 2,3%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt có mức tăng là 2,4% và 3,3%.
Cổ phiếu của UnitedHealth đã thúc đẩy chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch hôm qua. Gã khổng lồ bảo hiểm đã tăng hơn 7% sau báo cáo lợi nhuận và doanh thu được điều chỉnh tốt hơn mong đợi. Công ty cũng đã nâng mức sàn của kỳ vọng lợi nhuận cho cả năm. UnitedHealth cũng là cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của S&P 500.
JPMorgan Chase nhích thêm 0,6% sau khi công bố lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng. Ngân hàng này đã hưởng lợi nhờ lãi suất cao và thu nhập từ lãi đi lên. Cổ phiếu của Wells Fargo giảm nhẹ 0,3% dù ngân hàng này cũng công bố kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.
Ông Scott Ladner, Giám đốc đầu tư của Horizon Investments, nhận định: “Những gì chúng tôi thấy từ lợi nhuận của các ngân hàng lớn, đặc biệt là JPMorgan, là sự ổn định”.
“Ngay bây giờ, chúng tôi thấy tỷ lệ vỡ nợ vẫn ở mức cực kỳ thấp trong lịch sử và không có dấu hiệu đi lên. Vì vậy, đây là một dấu hiệu tốt cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, ông Ladner nói thêm.
Kỳ vọng cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 không khả quan. Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của S&p 500 sẽ giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Factset. Nếu dự báo thành sự thật, S&P 500 sẽ có mùa báo cáo tồi tệ nhất kể từ quý II/2020, khi lợi nhuận sụt giảm 31,6% do ảnh hưởng của dịch COVID.
Tâm lý của các nhà đầu tư đã được cải thiện nhờ báo cáo lạm phát tích cực trong tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) đều tăng thấp hơn so với dự đoán, giúp thị trường có được sự lạc quan.
Các nhà đầu tư đang xem xét liệu một nền kinh tế mạnh mẽ, được thể hiện trong những dữ liệu gần đây, có thể đẩy giá cổ phiếu lên cao vào cuối năm nay hay không.
“Kịch bản tươi đẹp vẫn tồn tại nếu xét đến áp lực lạm phát đi xuống và tăng trưởng kinh tế vẫn khá mạnh mẽ. Đây là một bối cảnh khá tốt cho các tài sản rủi ro”, ông Ladner cho hay.
Không chỉ tại Mỹ, theo Quỹ tiền Tệ Quốc tế (IMF), lạm phát dường như cũng đạt đỉnh tại các quốc gia thuộc G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, ở hầu hết các nước G20, đặc biệt là những nền kinh tế tiên tiến, lạm phát lõi vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương.
“Trong cuộc chiến chống lạm phát, có một số dấu hiệu về việc chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động [của nền kinh tế], chẳng hạn như tình trạng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay ở khu vực đồng Euro và Mỹ”, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva viết trong một báo cáo.
“Các nhà hoạch định chính sách nên tránh ‘ăn mừng quá sớm’. Bài học từ những đợt lạm phát trước đây cho thấy rằng nới lỏng chính sách quá sớm có thể hủy hoại cuộc chiến chống giá cả leo thang”, bà Georgieva cảnh báo.
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong trung hạn sẽ giảm xuống khoảng 3%, thấp hơn mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019.