|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones bay gần 270 điểm, chứng khoán Mỹ giảm sâu sau tin số liệu vĩ mô tiêu cực

07:02 | 03/12/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tháng 12 chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư đón nhận số liệu vĩ mô suy yếu. Mặt trận thương mại cũng không đem lại tín hiệu gì khả quan.

Cụ thể phiên 2/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 268,37 điểm, tức gần 1%, xuống còn 27.783 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,86% và đóng cửa ở 3.113,87 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 8/10, tức gần hai tháng trước. 

Chỉ số Nasdaq Composite kết phiên ở 8.568 điểm, tương ứng giảm 1,12%. Các chỉ số chính đều tăng nhẹ đầu phiên rồi sau đó chuyển sang sắc đỏ.

2-12

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 2/12. Nguồn: Bloomberg.

Giá các cổ phiếu công nghệ Facebook, Amazon, Alphabet đều sụt ít nhất 1%. Netflix giảm gần 1,5%. Roku - hãng sản xuất thiết bị kĩ thuật số và một trong những cổ phiếu hot nhất năm 2019 - cắm đầu lao dốc hơn 15%.

Chỉ số biến động Cboe (VIX) - thước đo sự sợ hãi chính xác nhất trên thị trường - tăng từ 12,6 điểm lên 14,3 điểm.

Biến động của thị trường chứng khoán Mỹ phiên 2/12 diễn ra sau khi các chỉ số có tháng 11 tích cực, liên tục lập đỉnh mới và ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. Cụ thể trong tháng 11, S&P 500 tăng 3,4% còn Dow Jones và Nasdaq cũng tăng lần lượt 3,7% và 4,5%.

Hôm 2/12, Viện quản lí Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất tiếp tục giảm còn 48,1 điểm trong tháng 11.

Chỉ số dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp so với tháng trước, đồng thời chỉ số này cũng thấp hơn mức dự báo trung bình của các chuyên gia là 49,4. Các chỉ số chứng khoán Mỹ chạm ngưỡng thấp nhất của phiên sau khi số liệu này được công bố.

Tâm lí nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc vẫn muốn đạt được một thỏa thuận thương mại "nhưng chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra".

Hiện không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy hai nước có thể sớm kí kết thỏa thuận. Chưa kể, quan hệ hai bên lại xấu đi trông thấy vào tuần trước khi Tổng thống Trump kí ban hành hai đạo luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong, bất chấp sự phản đối dữ dội của chính quyền Bắc Kinh.

Tổng thống Trump cũng thừa nhận rằng việc ông kí ban hành hai đạo luật này "không khiến cho tình hình tốt lên".

Hôm Chủ nhậ (1/12), truyền thông nhà nước Trung Quốc tái khẳng định quan điểm Bắc Kinh muốn gỡ bỏ toàn bộ thuế quan trước khi kí kết thỏa thuận thương mại. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận trước ngày 15/12, thuế quan 15% Mỹ áp lên khoảng 160 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Nhà nước Trung Quốc cho biết nước này sẽ đáp trả Mỹ bằng một "Danh sách thực thể không đáng tin". Danh sách này được lập ra nhằm trừng phạt những doanh nghiệp mà chính phủ Trung Quốc cho là gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Theo tờ Hoàn cầu, danh sách sẽ được công bố sớm.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei hay Hikvision đã bị Mỹ đưa vào "Danh sách thực thể" và bị cấm tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Mỹ.

Trong một dòng tweet khác, ông Trump tuyên bố thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng tới 21% kể từ lần đầu tiên ông tuyên bố thuế quan vào ngày 1/3/2018, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đang thu về khối tiền siêu to khổng lồ từ thuế quan. Một phần số tiền này được dùng để hỗ trợ người nông dân Mỹ bị thiệt hại trong thương chiến với Trung Quốc, ông Trump nói.

Hôm 2/12, ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ tái áp dụng thuế quan đối với kim loại nhập khẩu từ Brazil và Argentina. Trong một dòng tweet, ông nói: "Brazil và Argentina đã mạnh tay phá giá tiền tệ của họ, làm tổn hại đến nông dân Mỹ. Vì vậy tôi sẽ tái áp dụng thuế quan đối với thép và nhôm hai nước này xuất khẩu vào Mỹ, có hiệu lực ngay lập tức".

Song Ngọc