|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đợt suy thoái lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ có thể sắp kết thúc

16:30 | 15/10/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng hơn rằng đợt sụt giảm lợi nhuận kéo dài một năm của các công ty Mỹ sắp kết thúc. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế mong manh, người tiêu dùng thận trọng và lãi suất có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Theo tổng hợp của Bloomberg Intelligence, các nhà phân tích dự đoán rằng doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ báo cáo lợi nhuận quý III giảm 1,2% so với cùng kỳ. Bước sang quý IV, lợi nhuận được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5%. Các ước tính về lợi nhuận đã tăng lên khi mùa báo cáo thu nhập quý III bắt đầu, thúc đẩy chỉ số S&P 500 tăng 0,9% trong tháng 10. 

Lợi nhuận của doanh nghiệp thuộc S&P 500 dự kiến sẽ tăng trưởng dương từ quý IV/2023. 

Bà Gina Martin Adams, chiến lược gia cổ phiếu tại Bloomberg Intelligence, cho biết: “Triển vọng tốt hơn một chút về lợi nhuận của S&P 500 cuối cùng sẽ xuất hiện trong quý III, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong mạnh và thiếu chiều rộng".

Bà nhận định rằng dù ước tính lợi nhuận đang có xu hướng tăng lên, tỷ suất lợi nhuận bên ngoài ngành năng lượng “cần phải ổn định” và triển vọng của các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh tế cần cải thiện “để chứng khoán có được sự tự tin”.

Bloomberg cho rằng sự tự tin trên sẽ khó đạt được. Người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang cảm thấy khó khăn vì lãi suất cao. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc - từ lâu được coi như động lực tăng trưởng của thế giới - đang gặp khó khăn trong việc phục hồi.

Ngoài ra, ngay cả những nhà sản xuất hàng xa xỉ như LVMH cũng đang cảnh báo nhu cầu chậm lại do tình trạng lạm phát cao. Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel cũng có khả năng làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.  Bloomberg đã tổng hợp một số chủ đề mà các nhà đầu tư tập trung khi phân tích báo cáo kết quả kinh doanh. 

Chi tiêu tiêu dùng

Yếu tố chính quyết định quá trình phục hồi lợi nhuận có kéo dài hay không chính là người tiêu dùng Mỹ. Chi tiêu có thể bị ảnh hưởng khi tiền tiết kiệm thời COVID cạn kiệt và nợ sinh viên không còn được hoãn thanh toán. 

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất đi lên đồng nghĩa với việc nợ thẻ tín dụng có thể tăng gấp đôi trong vòng ba đến 4 năm tới. Trong tháng 8, chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 8 sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát - mức thấp nhất kể từ tháng 3. 

Chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng trưởng với tốc độ chậm.

Các nhà bán lẻ phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình đang gặp rủi ro cao hơn vì sự nhạy cảm với lạm phát. Thương hiệu quần bò Levi Strauss tuần trước đã cắt giảm triển vọng doanh số cả năm với lý do người tiêu dùng chị áp lực.

Trong khi đó, cổ phiếu nhà bán lẻ ô tô CarMax cắm đầu sau khi các nhà phân tích bày tỏ lo ngại về khả năng mua xe của người tiêu dùng. Ngoài ra, ngay cả doanh số của những thương hiệu cao cấp như LVMH cũng đang chậm lại trong quý III.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm sáng trong bức tranh tiêu dùng. Fast Retailing, chủ sở hữu hãng bán lẻ quần áo Uniqlo của Nhật Bản, đã đưa ra dự báo lạc quan nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ ở cả thị trường trong và ngoài nước, trong khi giá cổ phiếu của Nike tăng vọt nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Lãi suất

Theo Bloomberg Intelligence, chi phí lãi vay của các tổ chức phát hành nợ bằng USD với lãi suất có định có thể tăng tổng cộng hơn 80 tỷ USD vào cuối năm 2026.

Chiến lược gia Noel Hebert của Bloomberg Intelligence cho biết lĩnh vực tài chính đang chiếm một nửa số nợ tăng thêm ở trên. Apple, AbbVie và Boeing đang phải đối mặt với khoản nửa tỷ USD chi phí lãi vay gia tăng vào năm 2026.

Với việc dữ liệu cho thấy giá cả sản xuất và tiêu dùng vẫn đi lên, các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng về xu hướng ôn hòa trong chính sách của Fed. Điều này có thể gây thêm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận. Đồng thời, một số ngành đang phải đối mặt với hoạt động đình công của công nhân, có thể khiến chi phí ngày càng đắt đỏ. 

Ông Murdo MacLean, Giám đốc đầu tư khách hàng tại Walter Scott & Partners, nhận định: “Phải mất một thời gian để tác động của lạm phát và lãi suất xuất hiện. Tác động này đang và sẽ tiếp tục diễn ra vào năm tới và năm sau nữa. Chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng sẽ thắt lưng buộc bụng.”

Lợi nhuận bền bỉ

Bloomberg cho biết một điểm sáng là các nhà phân tích đã tự tin hơn về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Theo Bank of America, ước tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 trong quý III được điều chỉnh tăng 0,1% so trong ba tháng qua, so với mức ước tính sụt giảm khoảng 4%. 

Khi tăng trưởng nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn vững vàng, một số nhà phân tích đã tin tưởng rằng doanh nghiệp sẽ vượt qua ước tính trên. Chiến lược gia Ohsung Kwon và Savita Subramanian của Bank of America kỳ vọng tích cực vào kết quả kinh doanh do hàng tồn kho giảm và lợi luận tăng nhanh hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Tuy nhiên, một cuộc kháo sát gần đây của Bloomberg Market Live Pulse lại cho thấy người trả lời đang chuẩn bị cho một loạt cảnh báo về lợi nhuận do tác độ từ lợi suất trái phiếu tăng cao. 

Báo cáo từ doanh nghiệp cũng phân hóa. Trong khi PepsiCo nâng dự báo lợi nhuận năm 2023 khi người tiêu dùng vẫn chấp nhận mức giá cao hơn, Delta Air Line lại cắt giảm triển vọng, một phần do giá nhiên liệu đắt đỏ. 

 

Thuốc giảm cân

Trí tuệ nhận tạo đã thúc đẩy thị trường chứng khoán vào đầu năm 2023. Giờ đây, các loại thuốc giảm cân có tác dụng ức chế cảm giác thèm ăn như Ozempic và Wegovy đang làm đảo lộn mọi thị trường, từ đồ ăn nhẹ đến rượu và thiết bị y tế.

Vào ngày 13/10, Novo Nordisk, nhà sản suất phương thức điều trị trên, đã một lần nữa nâng cao triển vọng doanh thu và lợi nhuận. 

Các loại thuộc giảm cân như Ozempic và Wegovy đang đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. (Ảnh: Reuters).

Một số công ty sản xuất đồ ăn Kellanova cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của loại thuốc này đối với hành vi người tiêu dùng. Trong khi đó, Walmart tiết lộ rằng đã có một số ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm.

Báo cáo kết quả kinh doanh trong quý III sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về việc liệu chỉ số cổ phiếu thực phẩm có tiếp tục đi xuống hay không. Ông Jay Hatfield, CEO của Infrastructure Capital Management, nhận định: “Chúng tôi cho rằng tác động sẽ diễn ra từ từ. Sự sụt giảm tiêu dùng thực tế sẽ xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm tới”. 

Tác động từ Trung Quốc

Một chủ đề khác trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh lần này là sự phục hồi kinh tế không ổn định tại Trung Quốc. Tín hiệu từ dữ liệu hàng tháng về lợi nhuận công nghiệp, hoạt động sản xuất và doanh thu du lịch rất đáng khích lệ, nhưng biên lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ chịu áp lực khi nước này cắt giảm lãi suất.

Ông Marvin Chen, chiến lược gia tại Bloomberg Intelligence, cho biết: “Thu nhập của ngành công nghiệp và vật liệu sẽ bị ảnh hưởng bởi giảm phát giá sản xuất và nhu cầu yếu”. 

“Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tương tự như quý II. Lợi nhuận lĩnh vực công nghệ có thể tăng khá tốt nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí”, ông cho biết thêm. Rất ít người tham gia thị trường mong đợi những bất ngờ tích cực lớn từ lĩnh vực bất động sản khi các nhà phát triển phải vật lộn với nhu cầu ảm đạm và cố gắng cắt giảm mức nợ. 

Các nhà cung cấp của Huawei Technologies có thể là ghi nhận kết quả tích cực sau khi hãng này ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro vào tháng 8 và dự kiến sẽ tăng đơn đặt hàng trong năm tới. 

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.