Dòng vốn Trung Quốc chảy vào các dự án điện tại Việt Nam
Với dân số đông và một nền kinh tế thuộc top đầu thế giới, Trung Quốc qua đó tác động mạnh mẽ đến sự dịch chuyển của thị trường điện. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh từ đại học Oxford, đến năm 2040 Trung Quốc tiêu dùng 1/4 lượng điện năng trên toàn thế giới và trung bình mỗi người dân nước này cầu gấp đôi lượng điện năng so với hiện tại…
Tiến sỹ Nguyễn Tuệ Anh (phải) |
Bên cạnh việc làm sao để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, Trung Quốc cũng đưa ra những kế hoạch nhằm tạo ảnh hưởng lên các thị trường điện trong khu vực.
Cụ thể, Trung Quốc góp phần xây dựng một ngân hàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ASEAN (AIIB) vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp 30% vốn và nắm 26% quyền biểu quyết; quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực ASEAN, giá trị 10 tỷ USD và quỹ con đường tơ lụa vốn 40 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng của nhóm ASEAN - 5, nhóm tiêu thụ điện lớn nhất Đông Nam Á* |
Đối với thị trường ASEAN, hiện 5 quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất (ASEAN – 5) gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam; tổng số 0,5 tỷ dân. Khu vực thị trường này có nhu cầu hơn 10% lượng điện năng trên thế giới, đồng thời tăng trưởng 6,2% hàng năm trong giai đoạn (2017 – 2021 theo số liệu của OECD).
Quan hệ mua bán điện giữa các nước trong nhóm ASEAN - 5 |
5 thị trường này có mối liên kết với nhau và do vậy, thâm nhập được một thị trường sẽ mở ra cánh cửa với 4 thị trường còn lại. Mặt khác, kể từ năm 2013 cả 5 thị trường đều đã mở cánh cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên mức độ khác nhau.
Việt Nam đầy đủ các yếu tố để Trung Quốc có thể tiếp cận thị trường điện bao gồm nhu cầu điện lớn và tăng đều, nguồn tài nguyên dồi dào và một chính sách ngày càng mở cửa…
Theo thống kê, từ năm 2004 giá trị đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện và thủy điện của Việt Nam bắt đầu tăng phi mã, với giai đoạn từ năm 2011 trở đi, nguồn vốn chủ yếu đổ vào nhiệt điện than.
Giá trị các khoản vay đầu tư vào ngành điện (1964 - 2016) tính theo USD năm 2010 |
Về giá trị, Việt Nam đứng đầu tổng khoản cho vay các dự án gần 5,4 tỷ USD, xếp ngay sau là Trung Quốc đạt 5,25 tỷ USD thống kê từ 1964 đến năm 2016. Các quốc gia cho vay giá trị lớn khác gồm có Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ trong nguồn vốn vay từ Đông Á chiếm phần lớn.
Về khẩu vị, các ngân hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ưa thích cho vay các khoản đầu tư vào nhiệt điện, trong khi các ngân hàng Việt Nam lại đa số cho vay dự án thủy điện.
Top 10 ngân hàng cho vay năng lượng tại Việt Nam (1964 - 2016) |
Đối với hình thức đầu tư theo kiểu góp vốn, EVN và PVN là hai công ty rót số tiền nhiều nhất; đáng chú ý các công ty của Trung Quốc tỏ ra không ưa thích đối với loại hình này.
Top 10 nhà đầu tư thông qua góp vốn vào dự án điện Việt Nam (1964 - 2016) |
Về mối liên hệ, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng thường chỉ hoạt động xoay quanh các công ty có cùng quốc tịch với mình, từ cách chọn nhà thầu, chọn đơn vị cho vay cho đến dây chuyền công nghệ…
Có mặt tại buổi thảo luận, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) đưa quan điểm, cần lưu ý đến việc nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc làm bị đội vốn, trúng thầu giá rẻ tuy nhiên các chi phí xung quanh, thời gian thực hiện lâu, đội vốn lại đẩy giá thành lên rất nhiều.
Chất lượng đầu tư cũng là vấn đề, công nghệ đưa tới là mới hay cũ, hay việc nhiều nhà thầu Trung Quốc đến Việt Nam làm dự án trong vai trò thử nghiệm, tức là trước đó chưa hề làm dự án tương tự bao giờ cũng cần được quan tâm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế vấn đề dòng vốn Trung Quốc đi vào các dự án điện tại Việt Nam là rất phức tạp, ngay cả việc vốn từ chủ đầu tư là EVN thì nguồn đó lấy từ đâu? Rồi việc các nhà thầu Trung Quốc yếu tại sao lại trúng thầu, “chi phí gầm bàn” có phải là vấn đề?
*Các số liệu trong bài đều trên báo cáo của tiến sỹ Nguyễn Tuệ An - Blavatnik School of Government, University of Oxford.