|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 14/9: Tự doanh cùng tổ chức nội mua ròng hơn 760 tỷ đồng phiên điều chỉnh

07:46 | 14/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index chịu áp lực điều chỉnh, khối tự doanh và tổ chức trong nước là hai bên xuống tiền nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, NĐT cá nhân và khối ngoại đồng thời rút vốn, từ đó gia tăng sức ép giảm điểm lên thị trường chung.

Tiếp nối xu hướng trong thời gian vừa qua, phiên giao dịch đầu tuần của VN-Index chứng kiến sự phân hóa trong hành động của nhà đầu tư khi dòng tiền tập trung vào nhóm midcap và penny, với thanh khoản vượt trội hơn so với nhóm VN30.

VN-Index giảm 3,88 điểm (0,29%), đóng cửa ở mức 1.341,43 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 196/224. Dòng tiền đầu tư co cụm ở một số ngành nhất định khi chỉ có 7/19 nhóm ngành duy trì sắc xanh với mũi nhọn tăng trưởng đến từ các ngành bán lẻ, truyền thông và du lịch giải trí (hàng không).

Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 29.002 tỷ đồng, tăng 18,7% so với phiên trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.924 tỷ đồng.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bán lẻ, dầu khí, thép trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, thực phẩm & đồ uống, chứng khoán. Khối lượng giao dịch ở nhóm bất động sản vẫn đứng đầu, ngành hàng không tiếp tục khởi sắc và dầu khí bật tăng.

Trong phiên VN-Index chịu áp lực điều chỉnh, khối tự doanh và tổ chức trong nước là hai bên xuống tiền nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, NĐT cá nhân và khối ngoại đồng thời rút vốn, từ đó gia tăng sức ép giảm điểm lên thị trường chung.

Dòng tiền thông minh 14/9: Tự doanh cùng tổ chức nội mua ròng hơn 760 tỷ đồng phiên điều chỉnh - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh tiếp tục mua ròng, tâm điểm nhóm chứng khoán, BĐS

Trong phiên giao dịch đầu tuần, khối tự doanh công ty chứng khoán duy trì mua ròng với quy mô rót vốn nới rộng lên 120,7 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 102,3 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, khối tự doanh mua ròng 8/18 ngành. Trong đó, nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính, bất động sản. Top10 cổ phiếu được bộ phận tự doanh mua ròng phiên hôm qua gồm FUEVFVND, E1VFVN30, NVL, MWG, DXG, VRE, VNM, MSN, LPB và KDH.

Chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm hóa chất chịu áp lực rút vốn lớn nhất từ khối tự doanh. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm HPG, PNJ, GMD, SBT, VHM, DGC, REE, GVR, CII và BCG.

Dòng tiền thông minh 14/9: Tự doanh cùng tổ chức nội mua ròng hơn 760 tỷ đồng phiên điều chỉnh - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 13/9. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước chuyển hướng rót tiền vào thị trường

Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 639,8 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 397,3 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Như vậy, tổ chức nội đã đảo vị thể giao dịch sau 4 phiên xả ròng trước đó.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Top bán ròng có SSB, NVL, PVT, CTG, VIC, MBB, VCB, CII, MSN, E1VFVN30.

Trong khi đó, tổ chức trong nước chủ yếu mua ròng nhóm tài nguyên cơ bản với đại diện là cổ phiếu thép. Top các mã được mua ròng có HPG, SSI, TPB, VPB, VHM, VND, FPT, TCB, MWG, KBC.

Cá nhân trong nước chuyển bán ròng hơn 300 tỷ đồng

Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân, họ quay đầu bán ròng 327,9 tỷ đồng sau chuỗi mua ròng 8 phiên liên tiếp trước đó. Trong đó, họ bán ròng khớp lệnh 90,6 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 5/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã VHM, NVL, SSB, MSN, GEX, HCM, PVT, CII, VCB, AGG.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 13/18 ngành còn lại với lực xả chủ yếu đặt tại nhóm dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản. Top bán ròng có HPG, VND, SSI, TPB, SAB, VNM, KDH, DGC, FPT.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, tập trung xả VHM, HPG, MSN

Về phía NĐT nước ngoài, họ bán ròng 290,8 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 409 tỷ đồng.

Lực mua ròng khớp lệnh chính của NĐT ngoại là nhóm thực phẩm & đồ uống, hóa chất. Top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng khớp lệnh gồm SAB, VND, DGC, KDH, VNM, VHC, MBB, HVN, DCM, CTG.

Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, HPG, MSN, HCM, GEX, AGG, E1VFVN30, APH, FUEVFVND.

Liên quan đến giao dịch VHM, nhìn chung đây vẫn là câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn. Lũy kế từ đầu tháng 9, VHM dẫn đầu với giá trị xả ròng gần 2.300 tỷ đồng.

Theo thống kê của Fiinpro, giao dịch của ETFs trong tuần này dự kiến không ảnh hưởng mạnh tới VHM vì tổng cộng giao dịch của ba quỹ ETF được dự kiến là bán ròng 440.471 cổ phiếu VHM, rất nhỏ so với tổng khối lượng giao dịch hàng ngày của mã này.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.