|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dồn lực triển khai dự án mới, lợi nhuận quý IV/2023 Văn Phú – Invest giảm 81%

10:32 | 27/01/2024
Chia sẻ
Không có dự án mới bàn giao trong quý IV/2023, Văn Phú – Invest tập trung vào phát triển các dự án tiềm năng. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận công ty sụt giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã: VPI), doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt gần 135 tỷ đồng, giảm 82% và lợi nhuận sau thuế gần 25 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do doanh thu bán bất động sản giảm mạnh.

Văn Phú - Invest cho biết, quý IV/2022 là giai đoạn bàn giao chính của dự án Khu biệt thự Hùng Sơn (Vlasta Sầm Sơn, Thanh Hóa) trong khi quý IV/2023 doanh nghiệp và các công ty con chỉ tập trung phát triển các dự án tiềm năng. Đây là lý do khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Thực tế, doanh thu 9 tháng đầu năm của chủ đầu tư này ghi nhận hơn 1.742 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ cũng chủ yếu nhờ việc bán biệt thự tại dự án nói trên.

Do hụt thu trong quý IV, lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp là 1.877 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 463 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Văn Phú - Invest đặt kế hoạch doanh thu 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu và 84% mục tiêu lợi nhuận.

(Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023 Văn Phú - Invest).

Tổng tài sản của doanh nghiệp này tại ngày 31/12 gần 12.533 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chủ yếu là do doanh nghiệp triển khai thêm các dự án mới khiến hàng tồn kho tăng.

Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tăng mạnh từ hơn 1.938 tỷ đồng lên hơn 3.714 tỷ đồng, do phát sinh thêm tại hai dự án là Song Khê - Nội Hoàng (gần 202 tỷ đồng) và Vlasta Thủy Nguyên (hơn 1.727 tỷ đồng). Riêng dự án Vlasta Sầm Sơn chỉ còn tồn hơn  85 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 358 tỷ đồng hồi đầu năm.

Khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn vẫn tập trung ở dự án BT Phạm Văn Đồng (2.102 tỷ đồng) và dự án Khu đô thị mới Văn Phú (9 tỷ đồng).

Còn chi phí xây dựng cơ bản dở dang hiện tập trung chủ yếu ở các dự án: Cồn Khương - Cần Thơ (hơn 307 tỷ đồng), Vlasta Sầm Sơn (gần 234 tỷ đồng), Lộc Bình - Thừa Thiên Huế (hơn 140 tỷ đồng),...

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 8.554 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu do tăng nợ vay tài chính (tăng từ 3.965 lên 4.627 tỷ đồng). Khoản người mua trả tiền trước cũng tăng từ 579 tỷ đồng lên hơn 1.018 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 12, lượng tiền gửi ngân hàng của Văn Phú - Invest giảm một nửa còn hơn 170 tỷ đồng. Mặt khác, dòng tiền kinh doanh trong kỳ âm hơn 754 tỷ đồng, trong khi năm ngoái dương gần 345 tỷ đồng.

(Đồ họa: H.L).

Công Tâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.