|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng xuất khẩu cá tra đổ về nhưng doanh nghiệp phải dừng sản xuất

21:39 | 02/08/2021
Chia sẻ
Theo VINAPA cho biết 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi tốt, nhiều đơn hàng xuất khẩu đổ về. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp giảm công suất chế biến hoặc dừng sản xuất đột ngột khiến việc giao hàng chậm trễ, đối tác có thể phạt, cắt hợp đồng.

Doanh nghiệp cá tra lao đao vì COVID-19

Theo Tổng cục Thủy sản, 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước. Trong đó, cá tra tập trung 100% tại đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,5 triệu tấn.

Chia sẻ tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản", ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết mỗi ngày Tiền Giang thu hoạch khoảng 200 tấn thủy sản, trong đó 67 tấn tiêu thụ nội tỉnh, 130 tấn vận chuyển về TP HCM.

Tuy nhiên, việc thu hoạch thủy sản đang gặp khó khăn tỉnh áp dụng giới hạn thời gian ra đường 6h - 18h hàng ngày khiến thương lái giảm thu mua, tiến độ sơ chế thủy sản bị chậm, lượng thủy sản quá lứa thu hoạch tồn lại trong ao khá nhiều.

Mới đây, UBND Tiền Giang thông báo sẽ dừng hoạt động đối với doanh nghiệp 3 tại chỗ trong khu công nghiệp kể từ ngày 5/8. Điều này sẽ khiến ùn ứ nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản và nguồn cung thực phẩm.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cho biết mối nguy của ngành cá tra trong năm 2021 khác năm 2020.

Trước đây, nếu cá quá lứa, doanh nghiệp có thể sản xuất, chế biến và tích trữ trong kho. Vĩnh Hoàn cũng đầu tư hai kho lạnh lớn đề phòng khi thị trường bị tắc.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp bị yêu cầu dừng sản xuất đột ngột thì cho dù có kho cũng không có nguyên liệu để dự trữ.

"Chúng tôi rất thông cảm cho quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, UBND cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, xem xét từng trường hợp cụ thể, không nên làm sụp đổ nền kinh tế một cách oan uổng như vậy.

Chúng tôi rất cố gắng mới tổ chức thành công 3 tại chỗ, 100% công nhân test PCR âm tính với COVID-19. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT có ý kiến với UBND tỉnh Tiền Giang để doanh nghiệp được duy trì sản xuất từ ngày 5/8", bà Khanh nói.

Bà Khanh cho biết doanh nghiệp đã chi ra hàng chục tỷ đồng tổ chức sản xuất 3 tại chỗ cho 4 công ty ở cả vùng xanh, vùng đỏ nhằm giữ thị trường xuất khẩu và cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc nhà máy đóng cửa, hàng nghìn công nhân đang an toàn tản ra các khu vực có nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ có thể là mối nguy cho xã hội. Dù công nhân có giấy chứng nhận PCR âm tính với COVID-19 cũng khó có thể thông hành cho công nhân về quê khi các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nghịch lý đơn hàng xuất khẩu cá tra đổ về, doanh nghiệp phải dừng sản xuất - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải chi hàng chục tỷ đồng để tổ chức 3 tại chỗ cho công nhân (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cũng khó khăn trong khâu thu hoạch, đại diện Công ty TNHH Cỏ May tại tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay doanh nghiệp tuân thủ sản xuất "3 tại chỗ" song vẫn có nguy cơ xuất hiện ca nhiễm COVID-19 do đội ngũ vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa thường xuyên đi lại giữa ao nuôi và nhà máy.

Đại diện Cỏ May cũng chỉ ra nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến đang rất cần nguyên liệu chế biến nhưng thiếu công nhân thu hoạch. Do đó, doanh nghiệp đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho toàn bộ lái xe, công đoàn bắt cá của địa phương.

Bên cạnh đó, đại diện Cỏ May cho biết: "Trong thời buổi thiên tai dịch họa, doanh nghiệp cần xây dựng kho dự trữ đông lạnh bởi thực tế việc tiêu thụ, xuất khẩu cá tra khó khăn, người dân không thể ngâm cá dưới ao và cho ăn mãi được.

Do đó, Cỏ May kiến nghị với Bộ NN&PTNT làm việc với ngân hàng để có chính sách tăng thời hạn cho vay, giảm lãi suất và phí dịch vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, đề xuất ngân hàng cho vay thế chấp bằng hàng hóa tồn kho".

Nhiều hệ lụy kéo theo

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 781 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những thị trường chính như Mỹ, khối CPTPP, Trung Quốc – Hong Kong, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang có triển vọng lớn ở Mexico, Brazil, Colombia và Thái Lan…

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết xuất khẩu cá tra vừa mới phục hồi đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn vì COVID-19.

"Hầu hết các doanh nghiệp phản ánh việc giãn cách xã hội ở các địa phương đang ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến thủy sản và xuất khẩu cá tra.

Đơn hàng giao chậm, thiếu có thể khiến doanh nghiệp bị đối tác phạt, cắt hợp đồng, người lao động không có công ăn việc làm, đất nước không thu về được ngoại tệ", ông Quốc nói.

Dù mục tiêu chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân là nhiệm vụ ưu tiên số 1 nhưng các tỉnh cũng cần khảo sát, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện 3 tại chỗ, đảm bảo công tác chống dịch được duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

"Ngành cá tra rất vất vả mới xây dựng được thị trường ở EU, Mỹ, Trung Quốc… Nếu các Bộ và UBND các tỉnh không vào cuộc kịp thời, ngành cá tra có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.

Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc xây dựng lại sẽ rất khó và tốn nhiều thời gian, công sức", đại diện VINAPA cho biết.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cá tra Việt Nam kiến nghị được ưu tiên tiêm vắc xin trước hoặc cho phép doanh nghiệp có kinh phí mua vắc xin chích ngừa cho công nhân, duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, VIPAPA đề nghị Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các ngân hàng có chính sách tăng tín dụng, giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết giữa cơn bĩ cực, tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp vẫn nhận được các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện người dân thu hoạch, doanh nghiệp duy trì sản xuất, vận chuyển lưu thông đầu vào – đầu ra sản phẩm cá tra được thuận lợi.

Hoàng Anh