|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp cá tra gửi đơn kêu cứu tới Bộ NN&PTNT

17:49 | 30/07/2021
Chia sẻ
Doanh nghiệp cá tra đã quá khổ khi giá thức ăn tăng cao, gánh hàng chục tỷ đồng chi phí sản xuất "3 tại chỗ". Nếu tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra có thể mất thị trường và rơi vào phá sản, bà Trương Thị Lệ Khanh Chủ tịch HĐTV cho biết.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ổ dịch trong các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.

Do đó, UBND tỉnh quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.

Trước tình hình trên, Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang gửi đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐTV công ty cho biết đang thực hành sản xuất "3 tại chỗ" với 1.200 công nhân, đã xét nghiệm PCR với COVID-19.

Công ty cũng tổ chức phân luồng sinh hoạt, sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất tránh nhiễm chéo theo yêu cầu theo đánh giá của ban quản lý khu cụm công nghiệp Tiền giang.

Tuy nhiên, ngày 29/7, công ty nhận được thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang về việc "tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án 3 tại chỗ".

"Đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp bởi chúng tôi đã chi ra hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất 3 tại chỗ để giữ chân thị trường bán hàng và cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp", bà Khanh nói.

Việc doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sẽ làm đứt chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh.

Việc sản xuất 3 tại chỗ" chỉ đạt 50% công suất đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu. Nếu phải dừng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi giá thành cao và vượt size không bán được trong khi lãi ngân hàng, nợ quá hạn....

"Chúng tôi lại phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản", bà Khanh cho biết.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tạm dừng sản xuất làm mất niềm tin của công nhân với lãnh đạo, mất miền tin khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh lân cận đều đang giãn cách xã hội, người lao động cũng không thể về quê được vì hầu hết chưa được tiêm vắc xin.

"Chúng tôi khẩn thiết kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có ý kiến đến UBND tỉnh Tiền Giang xem xét cho công ty được tiếp tục duy trì sản xuất từ ngày 5/8, thực hiện mục tiêu kép, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu", bà Khanh nói.

Hoàng Anh