Đối với start-up, ưu tiên sản phẩm hay thương mại giống như câu chuyện con gà và quả trứng
Giống như câu hỏi “con gà hay quả trứng có trước”, ưu tiên sản phẩm hay thương mại hóa trước là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới khởi nghiệp. Bên cạnh ý kiến rằng “hữu xạ tự nhiên hương” là yếu tố để kinh doanh thành công, nhiều người nhìn nhận thương mại mới quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp trên thương trường.
Có kinh nghiệm thương trường 20 năm, tiến sĩ Lưu Hải Minh – Giám đốc Công ty OIC khẳng định - với nguồn lực hạn chế, công ty khởi nghiệp nên ưu tiên phát triển sản phẩm. Anh cho rằng người tiêu dùng cần giá trị hàng hóa. Sản phẩm tốt có thể tạo ra nhu cầu xã hội, mang lại thị trường, nguồn lực để doanh nghiệp thương mại hóa.
Tiến sĩ Lưu Hải Minh – Giám đốc Công ty OIC. |
Doanh nhân chia sẻ anh từng mất 7 - 9 năm, thậm chí bán nhà để hoàn thiện sản phẩm đầu tiên. Nhưng khi xây dựng thành công hệ thống, quy trình sản xuất, anh tạo ra sản phẩm thứ hai trong vỏn vẹn 3-6 tháng với chi phí thấp.
“Nếu chỉ tập trung thương mại hóa vào thời điểm đó, chắc tôi sẽ hết tiền để sản xuất sản phẩm tiếp theo và mở rộng hệ thống sản phẩm như hiện nay. Hệ quả là công ty có thể bị doanh nghiệp khác thôn tính", tiến sĩ Minh nói.
Người sáng lập OIC nhận định, doanh nghiệp chắc chắn phải thương mại hóa, nhưng phải đúng thời điểm nhằm đảm bảo đủ thời gian, nguồn lực phát triển sản xuất. Sản phẩm tốt là nền tảng vững chắc, hướng đi bền vững cho công ty, bởi khách hàng là người trả tiền, và họ sẽ bỏ qua khi cảm thấy sản phẩm không tốt.
Ông Nguyễn Đình Tiến - chuyên gia về thương mại hàng hóa của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) - đồng tình với quan điểm startup cần tập trung thương mại hóa từ đầu. Cụ thể, người kinh doanh phải xác định rõ đối tượng phục vụ.
"Vì sản phẩm không hướng tới khách hàng mục tiêu sẽ chẳng có giá trị thương mại. Người dùng mới là đối tượng quyết định sản phẩm tốt hay kém chất lượng", ông nhận định.
Nguyễn Đình Tiến - Chuyên gia Thương mại hóa VCIC. |
Quan điểm của ông Tiến là thương mại giúp nhà kinh doanh tiếp cận gần nhất tới khách hàng. Từ đó, họ hiểu hơn thói quen tiêu dùng, bắt kịp xu hướng thị trường để liên tục cải thiện sản phẩm, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp đem về dòng tiền cho công ty.
Từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, ông Tiến nói phần lớn nhà khoa học chỉ chú trọng phát triển sản phẩm mà quên chiến lược thị trường, truyền thông, nhân sự, tài chính. Thậm chí, nhiều kết quả nghiên cứu rất vĩ đại, tiềm năng nhưng không thể thương mại hóa. Thị trường sẽ trả lời câu hỏi: Sản phẩm thực sự đem lại lợi ích hay không?
“Sản phẩm và kinh doanh phải hoạt động tuần hoàn, liên tục. Người kinh doanh phải làm ra sản phẩm, lắng nghe thị trường, tạo doanh số, rồi dựa vào đó tiếp tục cải thiện mặt hàng, tung ra thị trường và thu lợi nhuận. Nếu quên người dùng như Nokia, Yahoo, thì công ty sớm đi vào ngõ cụt. Như vậy, ngoài mang lại tiền, thương mại hóa còn tạo ra nguồn tiếp cận để doanh nghiệp cải thiện sản phẩm hàng ngày”, ông Tiến bình luận.
Video: Lưu Hải Minh, Nguyễn Đình Tiến tranh luận trên Quốc gia khởi nghiệp.
Chuyên gia VCIC đánh giá, 80% người dùng quyết định mua sản phẩm dựa trên yếu tố cảm xúc. Đôi khi, họ mua hàng do hiệu ứng truyền thông – một phần nhỏ trong thương mại hóa. Nên dù ưu tiên sản phẩm trước, đến giai đoạn thích hợp, công ty vẫn phải nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Xem thêm |