|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đối thủ ngày càng lớn mạnh, doanh nghiệp thủy sản giữ thị phần thế nào?

15:00 | 26/01/2023
Chia sẻ
Trước sức ép cạnh tranh của các đối thủ, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Fimex cho rằng doanh nghiệp thủy sản cần nâng cao tỷ lệ nuôi tôm, cá tra thành công, đồng thời tập trung vào chế biến, gia tăng giá trị, thương hiệu cho sản phẩm, tạo ra lợi thế trên thị trường quốc tế.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết 2022 là năm rực rỡ của ngành thủy sản khi kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 11 tỷ USD, thành tích cao nhất sau hơn 20 năm ngành thủy sản tham gia vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với những thách thức như tín dụng thắt chặt, tồn kho cao, lạm phát khiến sức mua giảm và các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ phải chịu thêm áp lực là cạnh tranh toàn cầu gay gắt.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) phân tích trong năm 2023, các doanh nghiệp ngành tôm phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ phía đối thủ Ecuador.

Cụ thể, 5 năm trước, Ecuador đứng thứ 5 thế giới về nuôi tôm, nay đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Kỳ tích này cùng với lợi thế gần vùng nguyên liệu thức ăn nuôi tôm, chiến lược con giống quốc gia thành công đã giúp giá thành tôm nuôi của Ecuador thấp nhất, rẻ hơn tôm Ấn Độ và Việt Nam khoảng 1 USD/kg. Qua đó, tôm Ecuador đang dẫn đầu ở EU, Trung Quốc, đánh dạt tôm Việt cho khúc sản phẩm cùng phẩm cấp.

Riêng với thị trường Mỹ, Ecuador còn có lợi thế là chi phí vận chuyển thấp, giúp nâng dần thị phần ở thị trường này, dù trình độ chế biến mức trung bình.

Trước sức ép cạnh tranh hiện hữu, ông Lực cho rằng doanh nghiệp ngành tôm cần nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công thông qua kiểm soát chất lượng tôm giống; các địa phương cần đầu tư thủy lợi các vùng trọng điểm nuôi tôm, khuyến khích trang trại có chứng nhận ASC để tăng sự thuyết phục khách hàng từ Tây Âu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải “biết người, biết ta”, uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm… để khả năng chế biến sâu. Ví dụ như ở Mỹ, các doanh nghiệp nên tham gia cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối cao cấp;

Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường gần, chị phí vận chuyển thấp sẽ giảm tăng ảo vào giá bán; Ở Tây Âu, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ tôm có chứng nhận ASC để thâm nhập khúc thị phần tôm cấp cao.

“Mọi sự vật đều có hai mặt và luôn biến động. Ecuador đang nỗ lực nâng cao đẳng cấp chế biến, nếu chúng ta chậm chân thì thách thức cho con tôm sẽ to lớn hơn những năm tới”, ông Lực nhận định.

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh bằng sản phẩm chế biến sâu. (Ảnh: TTXVN)

Còn với ngành cá tra, Chủ tịch Fimex cho rằng các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khi khả năng hạn ngạch khai thác cá minh thái trên thế giới sẽ tăng so năm qua; các nước nuôi cá tra như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc tiếp tục phát triển sản phẩm có giá cả bình dân này, đáp ứng nhu cầu to lớn trong nước trước mắt và có thể tiến tới xuất khẩu, tranh thị phần với doanh nghiệp Việt.

“Cái khó bên ngoài đó kết hợp cái khó nội tại là đàn cá tra bố mẹ chưa phục tráng tốt; tỷ lệ ươm thành công còn quá thấp, dưới 20% và tỷ lệ nuôi thành công cũng không cao, khoảng 50%. Hệ quả là cá phát triển có chậm so trước đây, giá thành có xu hướng tăng”, ông Hồ Quốc Lực nói.

Chủ tịch Fimex cho rằng ngành cá tra cần đầu tư chọn lọc đàn cá bố mẹ, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chế biến cao và kiểm soát sản lượng cá nuôi phù hợp tình hình cung cầu cá thịt trắng thế giới.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, ông Hồ Quốc Lực cũng đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp thủy sản nói chung. Trong đó, ông nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho. Trường hợp có hàng tồn kho, doanh nghiệp cần giải phóng bằng giá mềm, hạn chế kẹt vốn, kẹt kho.

Mặc khác, doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan và cắt giảm chi tiêu, rà soát các định mức tiêu hao, rà soát tối ưu hoá quy trình chế biến.

Ngoài những giải pháp trên, ông Lực cũng nhấn mạnh hai quyết sách là cơ giới hóa, chuyển đổi số và xây dựng nền tảng, phát triển bền vững.

Cụ thể, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả quản trị qua ứng dụng, giải pháp này cần vốn khá lớn nên kế hoạch thực hiện từng bước theo năng lực tài chính. Quyết sách này giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng quản trị. Ngoài ra còn tác dụng giảm lệ thuộc lao động, giảm rủi ro về chất lượng sản phẩm.

Sách lược thứ hai là doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng hoạt động bền vững, bao gồm các yếu tố như văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng chiến lược hoạt động, xây dựng thương hiệu… để có hướng đi rõ ràng và bài bản.

Từ nền tảng đó, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi thực thi bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững, đáp ứng xu thế thế giới và tăng sự thuyết phục người tiêu dùng đối với sản phẩm, tăng sức cạnh tranh lâu dài cho sản phẩm.

Hoàng Anh