Xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 có thể vẫn cao hơn giai đoạn 2020 - 2021
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 sẽ bước vào chu kỳ giảm khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn 2020 – 2021.
Theo đó, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên nhu cầu sẽ không giảm mạnh. Đồng thời, nguồn cung cá tra Việt Nam cũng đang duy trì ở mức vừa phải, nên sẽ không xảy ra tình trạng giá nguyên liệu sụt giảm mạnh kéo theo giá bán giảm như giai đoạn 2018 – 2019.
Sau khi đạt đỉnh trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong các tháng gần đây bị giảm tốc dù vẫn cao hơn so với cùng kỳ.
Do các nhà bán lẻ nhập khẩu tích trữ ồ ạt trong nửa đầu 2022, khi lạm phát ngày càng tăng cao làm thắt chặt chi tiêu người dân, dẫn đến tồn kho cao và hệ quả là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chững lại.
Giá tôm và cá tra nguyên liệu vẫn đang duy trì mức cao do nguồn cung thấp và giá thức ăn ở mức cao. VDSC cho rằng giá nguyên liệu có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 do nhu cầu suy yếu, nhưng vẫn duy trì mức cao hơn so với 2021.
Giá xuất khẩu tôm và cá tra bắt đầu sụt giảm từ giữa 2022 khi nhu cầu nhập khẩu từ các nước giảm khiến các nhà chế biến Việt Nam phải hạ giá bán. VDSC kỳ vọng giá xuất khẩu trung bình năm 2023 sẽ ngang với mức trung bình 2021.
VDSC kỳ vọng Trung Quốc có khả năng sẽ mở cửa trở lại vào năm 2023 sau chính sách “Zero Covid”. Khi kênh nhà hàng phục hồi, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ phục hồi theo sau.
Tuy nhiên nguồn cung cá rô phi của Trung Quốc đang dồi dào sẽ gây áp lực lên nhu cầu nhập khẩu cá tra và giá xuất khẩu do cạnh tranh. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa chỉ giúp giảm áp lực cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, thay vì là một sự bùng nổ xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với tôm, VDSC vẫn cho rằng nhu cầu đối với mặt hàng này vẫn tương đối ổn định do ít lựa chọn thay thế và lợi thế của tôm Việt Nam trong các sản phẩm chế biến sâu.