Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 29/12/2022
Thị trường Nông, lâm, thủy sản thế giới
- Cao su: Tháng 12, giá cao su tại các sàn giao dịch kỳ hạn châu Á tiếp tục xu hướng giảm mạnh do thị trường lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc gia tăng và kinh tế trên toàn cầu có dấu hiệu suy thoái.
- Cà phê: Cuối năm 2022, giá cà phê thế giới phục hồi trở lại nhờ thông tin tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ.
- Hạt tiêu: Cuối năm 2022, giá hạt tiêu thế giới chịu áp lực do thị trường châu Âu và Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài.
- Chè: Năm 2023, xuất khẩu chè của Kenia dự báo giảm do sản lượng và giá chè giảm. 11 tháng năm 2022, xuất khẩu chè của Sri Lanka đạt gần 231 nghìn tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
- Thịt: Năm 2022, ngành chăn nuôi heo thế giới chịu nhiều áp lực từ chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao, trong khi dịch tả heo châu Phi vẫn lây lan tại nhiều nơi và nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Năm 2023, dự đoán nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi các hạn chế về COVID được nới lỏng và nhu cầu tăng lên.
- Thủy sản: Rabobank dự báo nhu cầu cá hồi năm 2023 sẽ tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung yếu sẽ hỗ trợ giá; giá tôm có khả năng giảm khi nguồn cung cao. Công ty IRI dự báo nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Mỹ trong tháng 12 tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại nhà tăng.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: 11 tháng năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Nông, lâm, thủy sản trong nước
- Cao su: Giá thu mua mủ cao su tháng 12/2022 tại tỉnh Bình Phước tăng, trong khi giá tại tỉnh Bình Dương và Gia Lai ổn định. Theo ước tính, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021.
Trong 10 tháng năm 2022, thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Ấn Độ tăng, nhưng thị phần trong tổng nhập khẩu của Mỹ và Đức giảm.
- Cà phê: Cuối tháng 12, giá cà phê giảm mạnh so với mức đỉnh vào tháng 9, trở về mức giá đầu năm. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng hai con số so với năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức, Pháp, Canada tăng; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc giảm.
- Hạt tiêu: Cuối tháng 12, giá hạt tiêu đen giảm mạnh. Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá so với năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 tăng.
- Chè: Quý IV/2022, xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 54,1 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với quý IV/2021. 10 tháng năm 2022, thị phần chè của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ, Anh và Nhật Bản tăng; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Pakistan và thị trường Đài Loan giảm.
- Thịt: Giá heo hơi trong nước đã có dấu hiệu chững lại, không còn giảm thêm nữa khi thị trường đang có sự điều tiết chờ nhu cầu thị trường sẽ tăng trong dịp lễ tết cuối năm. Trong 11 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam giảm.
- Thủy sản: Năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,287 triệu tấn, trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng hơn 13% về lượng và tăng hơn 24% về trị giá so với năm 2021, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của các nước nhập khẩu lớn trên thế giới tăng.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với quý IV/2021. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ, Anh và Canada giảm, nhưng tăng trong tổng nhập khẩu của Đức và Pháp.
Bản tin chi tiết: