Doanh thu từ dịch vụ đi chung ô tô, xe máy... có thể tăng 40% vào năm 2030, xe điện được kỳ vọng là giải pháp cải thiện chất lượng đô thị
Theo một nghiên cứu vừa được công bố của Diễn đàn Oliver Wyman và Viện nghiên cứu Giao thông vận tải tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), các dịch vụ như cho thuê xe hơi, đặt xe và chia sẻ xe đạp dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 660 tỷ USD vào năm 2030.
Con số này thể hiện mức tăng gần 40% so với doanh thu 260 tỷ USD được tạo ra vào năm 2020. Tờ Bloomberg nhận định các dịch vụ sẽ thay đổi đáng kể cách mọi người đi lại trong các thành phố trên toàn cầu, vượt xa phương tiện công cộng truyền thống và ô tô cá nhân.
Với xu hướng sự tập trung nhiều hơn vào tính bền vững và năng lượng thay thế, chẳng hạn như xe điện chạy bằng pin, các dịch vụ này sẽ mang lại những lợi ích tiềm năng cho khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sống ở đô thị.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bằng cách nhanh chóng phủ rộng xe điện, các dịch vụ vận tải mới có thể cải thiện chất lượng không khí, giảm mức độ tiếng ồn và thu nhỏ lượng khí thải carbon của các thành phố.
Họ đã phân tích 13 dịch vụ ở ba khu vực là Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các khảo sát cho thấy rằng những dịch vụ mới sẽ phát triển với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào từng khu vực. Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu nhận định Châu Âu sẽ vượt qua Châu Á để trở thành thị trường xe điện phát triển nhanh nhất và Châu Á sẽ trở thành thị trường lớn dành cho các dịch vụ như chia sẻ xe đạp và xe gắn máy.
Cũng theo báo cáo, hiện nay, thị trường phương tiện di chuyển ở châu Á tương đương với thị trường của châu Âu và Bắc Mỹ nhưng sẽ nhanh chóng phát triển hơn so các khu vực khác cho đến năm 2030. Những cải tiến về công nghệ, quy định của chính phủ và nhu cầu di chuyển của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của toàn ngành trên tất cả các khu vực.
Ùn tắc sẽ vẫn là một mối lo ngại trong tương lai. Theo các nhà nghiên cứu, còn quá sớm để biết liệu các dịch vụ có giảm tắc nghẽn theo thời gian hay không. Báo cáo cho biết: “Trong khi những người chuyển sang sử dụng xe đạp có thể làm giảm số lượng ô tô trong thành phố, việc đi chung xe và chia sẻ xe có thể góp phần gây ra tắc nghẽn nếu hành khách chọn các dịch vụ này trên phương tiện giao thông công cộng”.
Mặc dù nỗi lo về COVID-19 khi sử dụng các phương tiện công cộng đã giảm bớt, song các hệ thống này vẫn mong manh và dễ bị tổn thương, suy yếu do mất doanh thu. Báo cáo cho biết: “Bất kỳ sự chuyển dịch lâu dài nào từ phương tiện công cộng sang dịch vụ đặt xe có thể không chỉ làm mất đi sự hỗ trợ tài chính cần thiết của các hệ thống mà còn dẫn đến tắc nghẽn".
Vì vậy, các thành phố sẽ cần phải đạt được sự cân bằng giữa khuyến khích các giải pháp mới và củng cố hệ thống giao thông công cộng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu. Chính quyền có thể làm điều này bằng cách liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho phương tiện công cộng, duy trì giá vé phải chăng và tạo ra hệ sinh thái kết nối các dịch vụ mới với phương tiện công cộng nhiều nhất có thể.
Andreas Nienhaus, một đối tác cấp cao của Oliver Wyman, cho biết: “Chính quyền địa phương sẽ phải quyết định số tiền tài trợ cho phương tiện công cộng so với làn đường dành cho xe đạp hoặc bãi đậu xe hơi". Vị chuyên gia nhận định mối quan hệ với các đối tác tư nhân sẽ giúp chính quyền cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thông qua danh sách gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận. Theo dự kiến, các điểm cho thuê xe đạp công cộng tại 7 quận gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.
Xe đạp được sử dụng cho dự án có 2 loại xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Dự kiến, chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Việc phát triển loại hình này nhằm hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.