Doanh thu tiêu thụ tháng 8 của TNG giảm 8% so với tháng 7
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 8 đạt 721 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng 7, tăng 3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của công ty đạt 4.837 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ. Song, thông tin về thị trường xuất khẩu không được công ty công bố chi tiết như các tháng trước.
Năm 2023, TNG đặt mục tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng. Sau 8 tháng, doanh nghiệp may ở Thái Nguyên hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu năm.
Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 8, Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, TNG có thể hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu ở mức 6.728 tỷ đồng (tương đương năm 2022) nếu đơn vị tiếp tục nhận các đơn hàng có lợi nhuận thấp để bù đắp phần sụt giảm ở các thị trường chính.
Đơn vị phân tích cho biết, tiến độ đặt đơn hàng mới của đối tác TNG vẫn tương đối chậm so với năm 2022. Tính tới tháng 8, TNG mới nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho quý IV. Trong khi tháng 7/2022 TNG đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm.
FPTS dự báo trong năm nay, doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU của TNG sẽ thấp hơn cùng kỳ do sụt giảm đơn hàng của khách hàng lớn Decathlon (chiếm 90% doanh thu tại EU). Ngược lại, công ty sẽ duy trì được doanh thu tại Mỹ nhờ các đơn hàng nhỏ và bù đắp sụt giảm tại EU bằng đơn hàng từ các thị trường khác.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm từ 8-10%, do vậy, ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022.
Tuy nhiên, VITAS cũng hé lộ những tín hiệu tích cực của sự phục hồi khi gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nhận định sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm của thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm. Dệt may Việt Nam gặp khó khăn hơn trước những đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng như chất lượng cao hơn, đòi hỏi tuân thủ các chính sách như phát triển bền vững.