|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh thu công nghiệp ICT tại Việt Nam giảm gần 10% sau 5 tháng đầu năm

16:47 | 15/06/2023
Chia sẻ
Theo tài liệu mới được công bố, tổng doanh thu công nghiệp CNTT 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 52 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3 và 4 tương ứng là 22,8% và 22,4%.

Vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã công bố tài liệu Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý II/2023 với các Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT), trong đó có phần báo cáo về lĩnh vực công nghiệp ICT.

Theo đó, Bộ TT&TT cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng CNTT giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ CNTT nói riêng. Cũng theo tài liệu được công bố, các đơn hàng xuất khẩu CNTT của Việt Nam cũng sụt giảm.

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt hơn 52 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 5 tháng đầu năm ước đạt trên 1,22 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 52,2 tỷ USD), giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3 và 4 tương ứng là 22,8% và 22,4%.

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 48,7 tỷ USD) giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 43,9 tỷ USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30,8% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu hai nhóm hàng hóa "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững hai nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 20,3 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt gần 21,4 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động ước tính đến hết tháng 05/2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 04/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,72.

Một số hoạt động chỉ đạo điều hành nổi bật trong nửa đầu năm 2023 của ngành công nghiệp ICT có thể kể tới như: Rà soát, tổng hợp, cập nhật thông tin, số liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số vào CSDL công nghiệp ICT Make in Viet Nam; Tổng hợp nhu cầu ứng dụng các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đến năm 2025 để công bố nhằm tạo thị trường cho DNCNS Việt Nam phát triển; Tiếp tục duy trì, vận hành và cập nhật thông tin số liệu trong cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ trọng tâm chính trong quý III được nhắc tới gồm: Phối hợp tổ chức hội thảo vi mạch cấp khu vực tại Hà Nội, thông qua liên kết với SEMI; Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương;

Phối hợp với Sở TTTT Huế triển khai một số sản phẩm công nghiệp ICT cho tỉnh nhằm thực hiện thông báo kết luận buổi làm việc của Bộ trưởng với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế; Tổ chức phát động và triển khai Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 và Các Sở TTTT rà soát, cập nhật các thông tin, số liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong CSDL công nghiệp ICT Make in Viet Nam.

Anh Nguyễn