“Mùa vàng” M&A công nghệ thông tin - viễn thông
Tiếp đà “được mùa” năm 2015, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) năm 2016 sẽ hứa hẹn mùa vàng mới.
Xuất hiện nhiều thương vụ "khủng"
Trên thị trường M&A, các hoạt động thâu tóm, mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong các công ty ICT thường diễn ra lặng lẽ. Nhưng hai năm nay, trong “Danh sách 50 thương vụ M&A 2015 - 2016” đã xuất hiện nhiều thương vụ có giá trị chuyển nhượng rất lớn.
Đầu tiên, phải kể đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ được công bố vào tháng 1/2016, thông tin về giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo thông tin của nhà thầu tư vấn định giá thương vụ này là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), AVG được “định giá” ở 4 mức khác nhau, dao động từ 33.299 tỷ đồng xuống thấp nhất là 16.565 tỷ đồng.
Mới đây, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, 6 tháng qua, MobiFone đã phát triển được trên 168.000 thuê bao truyền hình MobiTV và đạt lợi nhuận 6,4 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên dịch vụ MobiTV đạt lợi nhuận sau một thời gian Truyền hình An Viên bị lỗ. Lãnh đạo MobiFone cho hay, theo kế hoạch, MobiFone sẽ đạt 164 tỷ đồng lợi nhuận từ dịch vụ truyền hình MobiTV.
MobiFone là cái tên được chú ý nhất trên thị trường ở thời điểm hiện nay, không chỉ ở thương vụ này, mà còn ở việc MobiFone đang thực hiện các bước cổ phần hóa. Dự kiến, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được thực hiện vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Một thương vụ lớn khác cũng được thực hiện trong tháng 1/2016 là Công ty cổ phần VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tiki. VNG cho biết, tính đến cuối tháng 3/2016, giá trị khoản đầu tư vào Tiki là 376,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 100.000 đồng/cổ phần, cao gấp 10 lần so với mệnh giá. Như vậy, với giá trị này, VNG đang định giá Tiki gần 1.000 tỷ đồng. Tiki là website thương mại điện tử được thành lập tháng 3/2010 và sản phẩm bán đầu tiên là sách Tiếng Anh, đến nay đã mở bán rất nhiều mặt hàng từ sách, đồ gia dụng, điện tử, thiết bị gia đình...
Cũng liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, Tập đoàn Zalora đã hoàn thành việc bán Zalora Thái Lan cho Tập đoàn Central Group và bán Zalora Việt Nam cho Công ty Thương mại Nguyễn Kim vào tháng 5/2016 (giá trị thương vụ không được công bố). Zalora Việt Nam là một thành viên của Zalora Group, được thành lập đầu năm 2012. Zalora thuộc sở hữu của Rocket Internet, một tập đoàn lớn của Đức chuyên xây dựng những công ty khởi nghiệp và thương mại trực tuyến ở các thị trường đang phát triển. Còn Central Group (Thái Lan) hiện sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
Bên cạnh đó, việc Hubert Burda Media đầu tư 14 triệu USD vào Cốc Cốc cũng là thương vụ rất đáng chú ý. Hubert Burda Media là một quỹ tư nhân của Đức, sở hữu nhiều công ty công nghệ, các dự án thương mại điện tử, website khắp thế giới, còn Cốc Cốc là một startup sáng lập bởi 3 lập trình viên Việt Nam du học tại Nga với các sản phẩm chính gồm: Quảng cáo Cốc Cốc, tìm kiếm Cốc Cốc, Trình duyệt, Ứng dụng tìm kiếm địa điểm Mobile, đã và đang được sử dụng bởi nhiều công ty, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Startup sẽ là nguồn hàng lớn cho các thương vụ M&A
Theo thống kê của Topica Founder Institute, số lượng các doanh nghiệp Start-up được đầu tư đã tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015. Bốn lĩnh vực được đầu tư mạnh trong năm 2015 là thương mại điện tử, truyền thông, tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech), giáo dục trên nền tảng công nghệ (edtech). Trong đó, gần nửa số đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tổng số các thương vụ được đầu tư vào năm 2015, có 25,8% đợt rót vốn lần đầu, 37,1% rót vốn giai đoạn A (series A), 16,1% rót vốn dạng angel, 6,5% rót vốn giai đoạn C.
Có hơn 4 vụ đầu tư giai đoạn C đều đạt mức vốn từ 10 triệu USD trở lên. Trong đó, Foody nhận vốn từ Tiger Global Investment; iCare (Mobivi) nhận hơn 20 triệu USD từ Unitus Impact (chưa chốt); Cốc Cốc nhận 14 triệu USD từ Hubert Burda; Huy Vietnam nhận 15 triệu USD từ Templeton.
Trong năm 2015, có một số thương vụ mua lại, gồm Vietnamm mua lại Foodpanda, Weeby.co mua lại Tappy, Yellow Mobile mua lại Clever Ads Corp và Websosanh.
Tuy nhiên, thương vụ ấn tượng nhất năm 2015 và tạo khích lệ nhất cho cộng động Start-up người Việt cả trong và ngoài nước, đó là Tập đoàn quốc tế Fossil mua lại Misfit, một doanh nghiệp đặt tại Việt Nam, do các doanh nhân quốc tế làm chủ, trị giá 260 triệu USD.
“Chúng tôi tin rằng, cùng với xu hướng khởi nghiệp và sự ảnh hưởng ngày càng nhiều của công nghệ và Internet tại Việt Nam, trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ”, ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, thuộc Diễn đàn M&A nhận xét.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/