Câu chuyện 2018 của Digiworld xoay quanh 'gã khổng lồ' Xiaomi
Hợp tác với Xiaomi giúp thúc đẩy tăng trưởng
Tại Việt Nam, Xiaomiký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Công ty Cổ phần Thế giới số (Mã: Digiworld) trong tháng 3/2017. Tính đến tháng 1/2018, sau gần 1 năm vào Việt Nam, thị phần smartphone của Xiaomi tăng từ 0% lên 5,2% (nằm trong top 4 thị phần tại Việt Nam), theo báo cáo của GfK - công ty nghiên cứu thị trường của Đức.
Nguồn: VCSC/DGW |
Năm 2015, Nokia (chiếm hơn 90% doanh thu điện thoại di động và lợi nhuận gộp của Digiworld) quyết định dừng sản xuất điện thoai di động (ĐTDĐ) để tập trung vào sản xuất phần mềm.
Sau quyết định của Nokia, Digiworld thử hướng đi mới khi cung cấp dịch vụ MES (phát triển thị trường) cho các khách hàng nhỏ hơn. Điều này cho phép Digiworld đạt được biên lợi nhuận cao hơn trước, nhưng quy mô doanh thu từ các khách hàng này thấp hơn nhiều so với thương hiệu nổi tiếng. Triển vọng tăng trưởng cũng hạn chế khi nhà sản xuất nhỏ không quá tích cực và không đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chiến dài hơi để giành thị phần tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Digiworld vẫn chưa lấp được khoảng trống lớn của Nokia để lại, việc hợp tác với Xiaomi có ý nghĩa quan trọng đối với công ty.
Xiaomi là thương hiệu có chiến lược cũng như mục tiêu rõ ràng khi bước chân vào Việt Nam. Do đó, dù mối quan hệ hợp tác này một lần nữa khiến Digiworld quá phụ thuộc vào một khách hàng lớn (tương tự với Nokia trước đây) nhưng có thể là điều cần thiết để đưa tăng trưởng trở lại cho mảng ĐTDĐ.
Sơ lược về Xiaomi, đây là tập đoàn điện tử của Trung Quốc thành lập 2010 với sản phẩm chính là điện thoại di động. Ngoài ra, Xiaomi cũng phát triển hơn 100 mặt hàng sản phẩm công nghệ khác như máy lọc không khí, vòng đeo tay sức khỏe, kính VR, sạc dự phòng, TV thông minh… Thương hiệu Trung Quốc này được biết đến với các sản phẩm cấu hình cao, mức giá phải chăng, thiết kế đơn giản hiện đại nhắm đến người dùng trẻ. |
Thực tế, đã có những tín hiệu cho thấy Xiaomi đang dần tập trung nhiều hơn vào Việt Nam. Tháng 3, Xiaomi bổ nhiệm ông Jack Yung, từng là Giám đốc Bán hàng Khu vực Nam Á, vào vị trí Giám đốc quốc gia của Xiaomi tại Việt Nam. Xiaomi cũng mở cửa hàng thương hiệu Mistore thứ hai tại Việt Nam trong tháng 4, đây là cửa hàng lớn nhất của hãng này ngoài Trung Quốc. Mistore đầu tiên tại Hà Nội kế hoạch mở trong tháng 5.
ICT đã trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh, Digiworld tấn công FMCG
Trước vấn đề kinh doanh ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) dần hạn chế, Digiworld đặt chân vào thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2017 với hai nhóm sản phẩm chính là dược phẩm và FMCG. Digiworld hiện có 7.000 trong tổng số 42.000- 45.000 điểm bán lẻ dược phẩm trên khắp cả nước, dự kiến sẽ mở rộng lên 15.000 điểm bán lẻ trong năm nay. Sản phẩm FMCG của Digiworld cũng xuất hiện trong 877 siêu thị và 22.000 điểm bán, chủ yếu là cửa hàng bách hóa trên khắp cả nước.
Về mảng FMCG, VCSC cho hay, Digiworld có 80% cổ phần trong Công ty TNHH CL, nhà phân phối độc quyền cho Lion Corporation, một công ty Nhật Bản sản xuất xà phòng, bột giặt và các sản phẩm trong nhà tắm.
Ban lãnh đạo của Digiworld cho biết công ty sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) như CL trong tương lai, nhằm tận dụng hệ thống phân phối FMCG sẵn có của công ty bị thâu tóm. Thu nhập bình quân ngày càng cải thiện ở Việt Nam sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao.
Tăng trưởng kép 7,2% mỗi năm mảng thực phẩm chức năng
Đối với thực phẩm chức năng, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của ngành trong giai đoạn 2017-2022 dự phóng đạt 7,2%, theo Euromonitor – Tổ chức nghiên cứu thị trường của Anh. Riêng với Digiworld, công ty đã tham gia vào thị trường này với các sản phẩm chức năng dành cho nam giới như Kingsmen trong năm 2017. Trong năm nay, Digiworld sẽ hợp tác với Domesco (Mã: DMC) để phân phối dòng sản phẩm mới từ quý III/2018. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết liên quan đến hợp tác này chưa được công bố.
Digiworld ghi nhận thu nhập mảng hàng tiêu dùng từ tháng 8 và 9/2017. Mảng này chỉ đóng góp 50 tỷ đồng trong tổng doanh thu, nhưng mang lại lợi nhuận tới 22 tỷ đồng, VCSC cho hay. Trong năm 2018, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận gộp tăng khoảng 4 lần.
Dù có tiềm năng lớn từ mảng hàng tiêu dùng nhưng trọng tâm của Digiworld trong năm 2018 có thể vẫn xoay quanh hợp tác với Xiaomi. Hàng tiêu dùng sẽ là câu chuyện cho những năm tới.
Trong số dòng sản phẩm ICT, laptop và máy tính bảng tiếp tục là yếu tố đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính, nhưng tăng trưởng sẽ chủ yếu đến từ mảng ĐTDĐ. Ngoài ra, thiết bị văn phòng có kế hoạch tăng trưởng 30% so với 2017 đến từ hợp đồng với khách hàng mới.
Đáng chú ý, vào tháng 4 vừa qua, Digiworld ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Eaton, một công ty chuyên về giải pháp quản lý điện năng tại Mỹ có doanh thu đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2017.
Eaton cung cấp các giải pháp hiệu quả năng lượng nhằm quản lý điện, thủy điện, cơ điện, và Digiworld sẽ hỗ trợ công ty Mỹ trong khâu marketing, logistics, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng tại thị trường Việt Nam sau thỏa thuận này.
Quý I/2018, Digiworld đạt 1.260 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 66% cùng kỳ và 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho công ty mẹ, tăng 120%, thực hiện lần lượt 27% kế hoạch doanh thu và 18,8% lợi nhuận năm. Với tốc độ này, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng Digiworld sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu cả năm 4.700 tỷ đồng và 90% lãi ròng 91 tỷ đồng, tương ứng với lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 2.243 đồng.
Hàng tiêu dùng là động lực tăng trưởng trong tương lai
Digiworld là 1 trong 3 công ty phân phối sản phẩm Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) tại Việt Nam bên cạnh FPT Trading và CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HSX: PET).
Những năm qua, sự mở rộng của chuỗi bán lẻ hàng công nghệ như CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT) và CTCP Thế giới Di động (Mã: MWG) khiến các chuỗi bán lẻ không còn mua hàng qua công ty phân phối trung gian và làm giảm thị phần nhà phân phối. Điều này thể hiện qua tăng trưởng doanh thu kém tích cực của họ kể từ năm 2015.
Nguồn: VCSC |
ICT là ngành kinh doanh truyền thống của Digiworld, chiếm khoảng 99% tổng doanh thu và hơn 90% lợi nhuận gộp năm 2017. Do nhu cầu đối với các dòng sản phẩm chính như laptop, máy tính bảng hay điện thoại di động (ĐTDĐ) đều đã qua giai đoạn tăng trưởng mạnh, chiến lược cho mảng ICT hiện tại chỉ là tối ưu hóa chi phí và chủ động lựa chọn phân phối các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Các dòng sản phẩm chính của Digiworld. (Nguồn: Digiworld) |
VCSC cho rằng, mảng hàng tiêu dùng nếu thành công sẽ là động lực tăng trưởng cho Digiworld trong tương lai với dư địa tăng trưởng dồi dào và biên lợi nhuận đạt 40% so với 6-7% của các mảng kinh doanh ICT truyền thống.
Với sự mở rộng này, doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận gộp của công ty có thể chuyển dịch dần sang mảng hàng tiêu dùng trong các năm tới.
Digiworld hợp tác với Xiaomi về mặt hàng laptop, máy tính bảng, ĐTDĐ và thiết bị văn phòng. Thống kê Digiworld có 6.000 điểm bán hàng ICT trên khắp 63 tỉnh thành toàn quốc. Hệ thống phân phối này vượt trội so với FPT Trading và PET (cập nhật mới nhất từ FPT Trading là 2.500 điểm bán trong khi của PET thậm chí còn thấp hơn). Trong số này, 2.000 là cửa hàng của chuỗi bán lẻ và phần còn lại là các cửa hàng nhỏ, giúp tăng độ phủ sóng các sản phẩm do Digiworld phân phối.
Hình thức bán hàng đa kênh của Digiworld. (Click vào ảnh để xem chi tiết - Nguồn: Digiworld) |
Kết quả kinh doanh hoạt động phân phối ICT của công ty giảm mạnh trong 3 năm qua do ảnh hưởng từ mảng ĐTDĐ. Năm 2018, VCSC kỳ vọng mảng này sẽ đảo chiều nhờ đối tác Xiaomi. Digiworld đặt kế hoạch tăng trưởng 55% doanh thu và 67% lợi nhuận gộp so với năm 2017 cho mảng ĐTDĐ.