|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Xử lý tình trạng văn nghệ sĩ quảng cáo thuốc, dược phẩm sai sự thật tràn lan

20:20 | 10/11/2022
Chia sẻ
ĐBQH đề nghị bổ sung quy định các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng chiều 10/11, Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không.

Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Đại biểu đưa ra ví dụ về những chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc huyết áp, tiểu đường, sữa dinh dưỡng…

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Quốc hội). 

Quan ngại trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.  

Đại biểu cũng cho rằng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hậu quả lớn tới người tiêu dùng, nông sản xanh, sạch khó có chỗ đứng trước những sản phẩm bẩn, kém chất lượng.

Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả khi không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được quy định tại khoản 1, Điều 16 của dự thảo Luật.

Xử lý hình sự với những trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thì đề nghị cần quy định cụ thể hơn ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.

Đại biểu nhấn mạnh, cần bổ sung Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ; hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Đối với quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, khoản 2, Điều 70 quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật tố tụng dân sự khi có đủ điều kiện đã được liệt kê tại các điểm từ điểm a đến điểm c, khoản 2, Điều 70.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng ở điểm c là mới tính đến yếu tố kinh tế, chưa tính đến tính chất vụ việc. Có những vụ gây ngộ độc thực phẩm, hậu quả gây ra chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ điều kiện thì cần áp dụng thủ tục rút gọn để vụ việc được giải quyết kịp thời.

Hạ An

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.