|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh số tiêu thụ tháng 10 của Sao Ta suy giảm so với cùng kỳ

08:01 | 03/11/2023
Chia sẻ
Sao Ta cho biết, tính đến cuối tháng 10, khu nuôi cũ của công ty đang thu hoạch khoảng 80%. Khu nuôi mới đã thu hoạch xong trước đó, dự kiến sẽ thả nuôi lại trong tháng 11.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 10/2023 đạt 18,45 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Đây là tháng có doanh số thấp nhất trong vòng 5 tháng của công ty.

Trong tháng 10, mảng tôm của Sao Ta tăng trưởng cả về sản lượng lẫn tiêu thụ. Cụ thể, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.569 tấn, tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.659 tấn, tăng lần lượt 44% và 11% so với cùng kỳ.

Về nông sản, sản xuất đạt 133 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm khoảng 137 tấn, giảm 33% so với tháng 10 năm ngoái.

Sao Ta cho biết, khu nuôi cũ của công ty đang thu hoạch khoảng 80%. Khu nuôi mới đã thu hoạch xong trước đó, dự kiến sẽ thả nuôi lại trong tháng 11.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin Sao Ta công bố.

Mới đây, HĐQT Sao Ta đã chấp thuận điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Song, công ty không nêu rõ lý do điều chỉnh.

Cụ thể, tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ còn 278 tỷ đồng, giảm 25% so với chỉ tiêu cũ.

9 tháng đầu năm nay, Sao Ta ghi nhận 3.835 tỷ đồng doanh thu giảm 15%, lợi nhuận sau thuế 213 tỷ đồng giảm 11% so với cùng kỳ. So với kế hoạch điều chỉnh, công ty đã thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu, 72% chỉ tiêu lợi nhuận.

 Nguồn: Nghị quyết HĐQT Sao Ta.

Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm diễn ra vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn đến ít nhất năm 2024. 

Ước tính, tổng sản lượng tôm thế giới năm 2023 khoảng 6 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu vẫn yếu. Trong khi năm nay, ngành nuôi tôm Việt Nam phải đối diện với dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại bờ liên tục giảm  khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống. 

“Diện tích tái thả giống sẽ không được cao. Tôi cho rằng tỷ lệ tái thả giống chỉ khoảng 50%. Điều này khiến sản lượng tôm thời gian tới sẽ giảm mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ cho chế biến”, ông Lực nói. 

Lâm Anh