Hơn 190 công ty thua lỗ, doanh nghiệp HOSE chiếm sóng
Theo thống kê từ Wichart, tính đến ngày 1/11, thị trường có trên 1.000 doanh nghiệp giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Trong khi đó 196 đơn vị báo cáo thua lỗ với tổng mức lỗ trên 6.900 tỷ
Số lỗ nhiều nhất đến từ 35 doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE với tổng lỗ trên 4.400 tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng số lỗ trên thị trường tính tới ngày 1/11. Còn UPCoM là nơi ghi nhận có nhiều công ty báo lỗ nhất với 107 đơn vị, tương ứng tổng mức lỗ 1.748 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đứng đầu danh sách thua lỗ
Đứng đấu danh sách thua lỗ nặng nhất quý III tiếp tục là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) với mức lỗ ròng 2.277 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 15 liên tiếp hãng hàng không này thua lỗ (từ quý I/2020 đến nay) vì gánh nặng từ chi phí tài chính, dù doanh thu đã cải thiện.
Tính chung 9 tháng đầu năm, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 3.743 tỷ đồng, thấp hơn phân nửa so với con số cùng kỳ năm trước (lỗ 7.790 tỷ đồng). Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối tháng 9 lên đến 37.932 tỷ đồng.
Theo báo cáo vào tháng 9 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm nay .
Quý này, danh sách bất ngờ có thêm sự góp mặt Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) với mức lỗ ròng 669 tỷ đồng quý III, trong khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) cùng kỳ năm ngoái là 947 tỷ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Doanh thu Vingroup lập kỷ lục gần 2 tỷ USD trong quý III, mảng nào đóng góp chính? 24/10/2023 - 15:20
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý III của Vingroup là doanh thu lập kỷ lục gần 2 tỷ USD trong quý III, tăng gần 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô doanh thu này phá vỡ kỷ lục 47.143 tỷ đồng được thiết lập trước đó.
Trong quý III, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt 30.281 tỷ đồng, theo sau là nguồn thu từ hoạt động sản xuất với 7.457 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2022. Nguồn thu từ mảng cho thuê bất động sản; khách sạn, du lịch; bệnh viện, giáo dục biến động không đáng kể. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vingroup vẫn có lãi trước thuế 4.475 tỷ đồng.
Ngay sau Vingroup là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) với số lỗ ròng 309 tỷ, cùng kỳ năm 2022 lãi 347 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp thua lỗ. Mức lỗ này đã nâng số lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc cuối quý III xấp xỉ 3.763 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.040 tỷ. Ngoài ra, vốn lưu động âm 5.270 tỷ đồng.
Việc Đạm Hà Bắc thua lỗ được giải thích một phần do giá ure hạ nhiệt, điều này cũng đã kéo lùi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp phân bón sản xuất phân ure khác như Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ.
Danh sách thua lỗ quý III tiếp tục có sự góp mặt của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) với khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 199 tỷ, song đã giảm so với mức lỗ 416 tỷ của quý III năm 2022. Đây là quý thứ 10 thua lỗ liên tiếp của doanh nghiệp. Tính tới ngày 30/9, số luỹ kế của HAGL Agrico là 7.450 tỷ đồng.
Nguyên nhân doanh nghiệp đưa ra tiếp tục là do tình trạng thiếu nhân công lao động, thời tiết khắc nghiệt gây ngập úng... dẫn đến năng suất kém. Ngoài ra, trong kỳ, công ty vẫn tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, cải tạo lại vườn cây hiện hữu dẫn đến diện tích cho thu hoạch thấp.
Bên cạnh đó, chi phí giá vốn vườn cây cao su lớn, chủ yếu là chi phí khấu hao (chiếm 60%) dẫn đến thu không đủ chi. Đồng thời, trong năm 2022, công ty đã chuyển đổi đồng tiền hạch toán từ đồng LAK sang USD, do vậy lỗ đã giảm so với cùng kỳ vì không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá do đồng LAK bị mất giá.
Quý III, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) báo lỗ ròng gần 124 tỷ đồng, ghi nhận quý kinh doanh kém nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2015. Theo giải trình, doanh thu sản xuất điện giảm do Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 dừng máy tiến hành đại tu từ ngày 7/9, khiến công ty kinh doanh dưới giá vốn.
Doanh nghiệp xây dựng dân dụng, thép báo lỗ quý III
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng và điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp thầu xây dựng. Quý III, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) ghi nhận doanh thu thuần bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 168 tỷ trong khi quý III/2022 lãi 6 tỷ.
Tình hình kinh doanh nhóm doanh nghiệp thép quý III tuy có sự chuyển biến tích cực hơn thể hiện qua kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát hay Tập đoàn Hoa Sen, nhưng một số công ty khác vẫn tiếp tục thua lỗ.
Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh hơn so với năm ngoái, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời lỗ ròng 164 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 188 tỷ. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.
Một số công ty ngành thép cũng có kết quả ảm đạm trong quý III. Chẳng hạn, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) - doanh nghiệp đứng thứ hai thị phần thép xây dựng báo lỗ ròng hợp nhất 155 tỷ quý III, song đã giảm so với mức lỗ ròng 543 tỷ của quý III/2022.
Các công ty thành viên của VNSteel như CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) lỗ ròng 59 tỷ đồng và đánh dấu 5 quý lỗ liên tiếp. Thép Vicasa - Vnsteel (Mã: VCA) quay lại báo lỗ 3 tỷ đồng sau ba quý có lãi. Hay Thép Thủ Đức (Mã: TDS) lỗ sau thuế 491 triệu đồng quý III, trong khi cùng kỳ lỗ gần 22 tỷ đồng,...
Trong danh sách các doanh nghiệp thua lỗ quý III còn có đại diện của ngành xi măng là CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) với lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý III, ghi nhận quý thua lỗ thứ hai trong năm 2023, trái với kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc nhờ xu hướng giảm mạnh của giá than (nhiên liệu chính trong sản xuất xi măng, clinker) và sản lượng tiêu thụ được cải thiện nhờ đẩy mạnh đầu tư công.
Mặt khác, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) nối dài chuỗi thua lỗ với mức lỗ ròng 23 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 329 tỷ đồng do doanh thu bán hàng giảm tới 42% trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa khởi sắc, tiêu thụ kém. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm thành viên chưa có hiệu quả.