|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo sang Singapore

07:28 | 17/10/2016
Chia sẻ
Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đã khắc phục mọi khó khăn để thu mua lúa gạo từ người dân và xuất khẩu sang thị trường Singapore.

Tại Hội thảo “30 năm đổi mới: Thành tựu, Bài học và Triển vọng” được tổ chức hôm 8/10, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc đã kể lại câu chuyện xuất khẩu gạo của công ty tư nhân Cỏ May.

TS Doanh cho biết, Cỏ May xin đăng ký kinh doanh về ngành sản xuất gạo tại Việt Nam. Họ nộp đơn lên Bộ NN&PTNT nhưng lại vướng Nghị định 109. Sau khi nhận được lời tư vấn của các chuyên gia, Cỏ May đã xin hoạt động tại Singapore và được chấp nhận sau vài tiếng đồng hồ.

doanh nghiep viet xuat khau gao sang singapore
Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đã khắc phục mọi khó khăn để thu mua lúa gạo từ người dân và xuất khẩu sang thị trường Singapore. Ảnh: doanhnghiepdautu

Từ khi được chấp nhận, Cỏ May đã nhập lúa từ Việt Nam, chế biến thành gạo phẩm chất cao và bán trong các siêu thị tại Singapore.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực trồng lúa thừa nhận đối với những doanh nghiệp nhỏ như Cỏ May hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường các nước.

“Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ như Cỏ May chỉ xuất khẩu vài trăm tấn gạo mỗi đợt. Tuy nhiên theo quy định của Bộ Công thương, nếu doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu gạo thì phải có nhà kho 5.000 tấn, có nhà máy xay xát 12 tấn/giờ và mỗi lần xuất khẩu phải đạt mức 10.000 tấn. Đây là những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được cấp giấy. Vì vậy để được xuất khẩu, Cỏ May bắt buộc phải xuất ủy thác cho một công ty lớn hơn tại Việt Nam”, GS Xuân chia sẻ.

Vị giáo sư cho biết, Cỏ May là một trong những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Họ không có vùng nguyên liệu những đã mạnh dạn đi mua lúa gạo từ người nông dân và biến thành thương hiệu, đóng bao bì rồi cung cấp ra thị trường.

“Nếu như ở thị trường Việt Nam thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi xuất khẩu ra nước ngoài, Cỏ May cũng đã phải tính toán rất nhiều để giải quyết khó khăn. Tôi được biết Giám đốc của doanh nghiệp này đã phải vài lần ra Hà Nội, trình đơn lên Bộ Công thương để xem xét được phép trực tiếp xuất khẩu lúa gạo.

Tôi nhớ có lần, có 1 doanh nghiệp nước ngoài qua coi gạo của Cỏ May và chấp nhận mua vài trăm tấn. Tuy nhiên do chưa đảm bảo điều kiện về nhà kho, vùng trồng nguyên liệu nên Cỏ May bắt buộc phải xuất khẩu ủy thác thông qua một công ty lương thực có tiếng ở miền Nam. Khi giấy tờ chuyển qua bên kia, phía doanh nghiệp kia đã từ chối vì thông tin công ty xuất khẩu không phải Cỏ May mà là một doanh nghiệp khác”, GS Tòng Xuân kể lại.

Từ kinh nghiệm thực tế được chứng kiến, vị Giáo sư cho rằng Bộ Công thương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải linh động hơn, có những biện pháp phù hợp với tình hình của các doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện về nhà kho, vùng trồng nguyên liệu, số lượng xuất khẩu thì mới đồng ý cho xuất khẩu là đúng. Việc này sẽ tránh được tình trạng một số công ty tìm cách chạy chọt để mua giấy phép rồi chuyển quyền sở hữu cho một đối tác khác.

Tuy nhiên với những doanh nghiệp có khách hàng mua trực tiếp, dù chưa đạt số lượng 10.000 tấn trong một lần xuất khẩu thì cũng nên xem xét.

Trước đây chúng ta cũng đã có tiền lệ như vậy đối với Công ty bán gạo hữu cơ Viễn Phú rồi”, GS Xuân kiến nghị.

Theo Hoàng Nam