Doanh nghiệp Việt muốn chen chân vào thị trường quần áo thể thao của Nike, Adidas
Riki Sport, thương hiệu trang phục thể thao Việt Nam, đến Shark Tank kêu gọi 15 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty. CEO Vũ Như Yến đưa ra tầm nhìn phát triển Riki Sport thành doanh nghiệp cung cấp trang phục thi đấu thể thao hàng đầu Việt Nam, với mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng năm 2025 và 300 tỷ đồng năm 2026. Tỷ suất lợi nhuận là 17%.
Trong phần thuyết trình, các Shark đặt nhiều câu hỏi về chiến lược kinh doanh, kế hoạch mở rộng và điểm nổi bật của Riki Sport. CEO Vũ Như Yến nhấn mạnh việc tập trung vào trang phục thi đấu thể thao và tính năng sản phẩm là thế mạnh cạnh tranh của công ty.
Bà Yến cho biết: “Trước năm 2019, thị trường đồ thi đấu bóng đá hoàn toàn không có khái niệm thương hiệu Việt. Tuy nhiên, ngày nay hơn 95% sản phẩm thấy trên sân cỏ mang thương hiệu Việt, điển hình như Riki, chúng tôi đã góp phần làm thay đổi thói quen người tiêu dùng với bộ môn thi đấu bóng đá”.
CEO của Riki Sport cho biết hoàn toàn tự tin với mục tiêu này vì thị trường trang phục thi đấu thể thao đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ do nhận thức người dân ngày càng muốn nâng cao sức khỏe. Trong khi, Riki Sport có gần 10 năm kinh nghiệm sản xuất trang phục thể thao trong và ngoài nước để đáp ứng điều này.
Sản phẩm Riki Sport được sản xuất khép kín, chỉ riêng phần may là gia công từ các hộ kinh doanh để có thể giảm bớt giá thành và vải được nhập từ các công ty vải trong nước. Kênh phân phối chính là B2B (business to business – doanh nghiệp bán hàng tới doanh nghiệp), hiện tại có 6 nhà phân phối gồm 1 nhà phân phối ở miền Bắc, 4 nhà phân phối ở TP HCM. Công ty cũng vừa triển khai bán hàng trên kênh thương mại điện tử cách đây không lâu.
Nói về là lý do gọi vốn, CEO Vũ Như Yến chia sẻ nếu chỉ dừng ở ngưỡng an toàn, sản xuất ra số lượng, cạnh tranh về giá, Riki Sport hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, để có thể bùng nổ doanh thu và đưa thương hiệu Riki Sport đi xa hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường mà Việt Nam thì startup cần có các Shark đồng hành.
Trả lời Shark Minh Beta về kế hoạch trong thời gian tới để phát triển mạng lưới kênh phân phối, Riki Sport cho biết sẽ dùng 50% số tiền được đầu tư để mở rộng danh mục sản phẩm cũng như phát triển kho ở miền Bắc cũng như miền Trung để có thể tiếp cận gần hơn các đại lý .
Shark Thái nhận xét: “Với ngành may mặc, nếu đầu tư quá nhiều tiền cho sản xuất, cho nhà xưởng thì chưa hợp lý. Ngành may mặc ở Việt Nam là ngành mũi nhọn, doanh nghiệp chỉ cần có phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) nắm cốt lõi của sản phẩm và đi gia công bởi chi phí gia công khá thấp. Chúng ta thường nghĩ phải tự sản xuất thì mới kiểm soát được chất lượng nhưng không phải, cái người nắm trong tay sản phẩm và quy trình, tức đội giám sát chất lượng sản phẩm, cái đó mới là yếu tố quyết định”.
Vị "cá mập" cho rằng Riki Sport nên nhân rộng mô hình gia công đang làm, đồng thời hãy tập trung làm thương hiệu. Shark Thái ra deal 15 tỷ đổi lấy 30% cổ phần và sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm về làm thương hiệu cho startup.
Shark Bình ban cũng tham gia với đề nghị 15 tỷ cho 25% cổ phần, trong khi đó Shark Hưng đưa ra 15 tỷ cho 15% cổ phần kèm điều kiện về KPI.
Shark Bình cho biết: “Theo tôi hiểu thị trường sản xuất và phân phối truyền thống tương đối phân mảnh, cạnh tranh cao, đó là quy luật chung của nhiều ngành. Với sự cạnh tranh của thương mại điện tử trực tiếp D2C (direct-to-consumer - bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) bạn sẽ bị đe dọa từ hai phía là startup sản xuất bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng và hàng thương mại điện tử xuyên biên giới giá trị thấp trực tiếp từ Trung Quốc". Ông cho rằng startup phải chuyển đổi mô hình sang D2C, phải tiến đến bán lẻ.
Sau khi cân nhắc, Shark Bình đã điều chỉnh đề nghị của mình thành 15 tỷ cho 15% cổ phần, với yêu cầu startup dành 1/3 tâm sức phát triển kênh D2C (Direct-to-Consumer) kết hợp với hệ sinh thái Next Commerce. Đề xuất này phù hợp với định hướng phát triển của Riki Sport, tập trung vào mở rộng danh mục sản phẩm và xâm nhập thị trường bán lẻ. Cuối cùng, Riki Sport đã chọn nhận đầu tư từ Shark Bình, đánh dấu một thương vụ gọi vốn thành công.