|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường né thuế ở Thái Lan

22:20 | 25/08/2018
Chia sẻ
Cuối tuần này, Thái Lan chào đón 500 doanh nghiệp Trung Quốc đến xúc tiến thương mại, dự định ký kết 17 thỏa thuận hợp tác song phương để kết nối khu kinh tế đặc biệt “Hành lang kinh tế phía Đông” (EEC) của họ với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
doanh nghiep trung quoc tim duong ne thue o thai lan Bộ Công Thương thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam mua gạo
doanh nghiep trung quoc tim duong ne thue o thai lan

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và các quan chức Trung Quốc khởi công tuyến đường sắt Bangkok-Côn Minh.

Bước đi này mang lợi ích đến cho Trung Quốc – đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ – khi việc đầu tư và sản xuất ở Thái Lan sẽ giúp các sản phẩm của họ né được chính sách thuế mà chính phủ của ông Donald Trump đang thực hiện. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất hàng hóa tại đây, xuất vào Mỹ và các thị trường khác với xuất xứ Thái Lan.

Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana nói 17 thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong nhiều ngành sẽ biến EEC trở thành trung tâm của các ngành công nghiệp thế hệ mới và cũng giúp EEC liên kết được với các vùng kinh tế đặc biệt ở Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) qua hạ tầng đường sắt của “Một vành đai, một con đường”. “Các sản phẩm được sản xuất tại EEC sẽ được phân phối vào Nam Trung Quốc, một thị trường đông đảo người tiêu dùng”, ông Uttama nói.

Phía Thái Lan cũng hợp tác với Trung Quốc đầu tư vào tuyến đường sắt cao tốc 1.500km nối Bangkok tới Côn Minh. Giai đoạn đầu của tuyến đường sắt này, 252,5km từ Bangkok đi Nakhon Ratchasima đã được khởi công vào tháng 12 năm ngoái. Cả dự án xây dựng sẽ được hoàn tất vào năm 2023, rút ngắn thời gian từ Bangkok đến Côn Minh còn 13-14 giờ.

Nhưng ông Uttama cũng nhấn mạnh mời Trung Quốc đầu tư không có nghĩa là phía Thái Lan hoàn toàn lép vế trước Trung Quốc: “Chúng tôi có luật lệ rõ ràng với EEC và nếu nhà đầu tư Trung Quốc nào thấy không phù hợp với luật của EEC, họ không cần đến đây”.

Tuần trước, tại diễn đàn “Tương lai của châu Á” tổ chức tại Nhật Bản, ông Uttama cũng khẳng định Thái Lan sẽ rất cẩn trọng trong việc huy động tài chính để đầu tư phát triển, không rơi vào bẫy như Pakistan. Năm 2016, Thái Lan quyết định loại bỏ các khoản vay từ Trung Quốc trong dự án đường sắt Bangkok – Côn Minh, tự bỏ tiền đầu tư vào phần đường sắt chạy trên nước họ.

Các quan chức Thái Lan có vẻ không “sợ” Trung Quốc. “Đây không phải lúc nghĩ rằng Trung Quốc áp đặt quá nhiều ảnh hưởng trong khu vực này. Đây là lúc khai thác lợi ích từ những thứ Trung Quốc đang xây dựng, nó sẽ tạo ra nền tảng cho nền sản xuất đa ngành trong khu vực”, ông Stanley Kang, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Thái Lan nói về “Một vành đai, một con đường”.

Đây là lần thứ hai Thái Lan mở cửa “trưng bày” trước một nhóm doanh nghiệp đông đảo như vậy. Tháng 9-2017, họ mời 600 doanh nghiệp Nhật Bản đến EEC với hy vọng kéo mạnh dòng vốn FDI. EEC là khu vực rộng hơn 13.000 km2 trải rộng trên 4 tỉnh nằm sát vịnh Thái Lan là Chonburi, Chachoengsao, Rayong, Samut Prakan và gần với thủ đô Bangkok.

EEC hướng tới phát triển các ngành công nghệ cao như sinh học, hóa dầu, robot, xe điện… và sẽ có các thành phố thông minh mọc lên ở đây. Một dự án đường sắt cao tốc nối Bangkok với các điểm trong EEC trị giá 7 tỉ đô la Mỹ đang chuẩn bị mở thầu. Năm 2017, số vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào Thái Lan ở mức 18,7 tỉ đô la. Chỉ riêng quý 1 năm 2018, mức đó là 9,3 tỉ đô la, 80% có liên quan đến EEC.

Trung Quốc là nước đầu tư đứng thứ ba vào Thái Lan, sau Nhật Bản và Singapore. Năm 2017, tổng mức đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan là 838 triệu đô la. Nhưng Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước này với tổng lượng trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên là 73,7 tỉ đô la trong năm 2017.

Xem thêm

Chính Phong