Doanh nghiệp Trung Quốc khổ vì xung đột Ukraine khi khách hàng 'không muốn trả tiền'
Theo SCMP, ngành sản xuất Trung Quốc đang bắt đầu cảm nhận được nỗi đau từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Các trừng phạt kinh tế đặt lên Nga đã bắt đầu chuyển tới khách hàng xuất khẩu.
Vào ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào tuyên bố Trung Quốc đang mong muốn “thúc đẩy thương mại bình thường” với cả Nga lẫn Ukraine. Dường như Bắc Kinh vẫn đang cố gắng đứng giữa Moscow và Kiev trong cuộc xung đột này.
Theo ông Bob Yao, đồng sáng lập một công ty sản xuất in kỹ thuật số ở tỉnh Quảng Đông: “Việc kinh doanh của chúng tôi ở cả Ukraine và Nga đều bị ảnh hưởng trực tiếp”.
“Chúng tôi mất liên lạc với một khách hàng Ukraine. Một khách hàng Nga dường như không muốn thanh toán hay nhận hàng bởi đồng rúp mất giá”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nga và Ukraine, nhưng ông Yao nói ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine thậm chí đã lây sang những khu vực khác.
Ông nói “Một khách hàng ở Trung Á thông báo với tôi vào hôm 1/3 rằng anh ấy quyết định hoãn kế hoạch thanh toán và vận chuyển cho 6 container, vì lo ngại các vấn đề quốc tế”.
Các nhà sản xuất tại công xưởng của thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tỏ ra bị quan về tương lai của thị trường Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).
CIS được thành lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, với các quốc gia thành viên đầy đủ là Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraine.
Ông Will Liu, giám đốc marketing của một công ty xuất khẩu thiết bị y tế, chuyên về xúc tiến thị trường Đông Âu và Nam Mỹ cho biết: “Chắc chắn khách hàng trước hết là Nga và kế đến là Ukraine, sẽ mất sức mua trong tương lai dài do chiến tranh”.
“Tôi nghĩ rằng nguồn ngoại hối hạn chế của Nga sẽ ưu tiên cho việc mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày và mức tiêu thụ thiết bị y tế chắc chắn sẽ giảm đáng kể”.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên lạc tài chính SWIFT và chặn đường tiếp cận các thị trường tài chính phương Tây.
Ông Liu nói thêm: “Khi Nga bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea vào năm 2014, tỷ giá của đồng rúp đã giảm mạnh từ 1 đổi 5 so với đồng nhân dân tệ xuống còn 1 đổi 10, dẫn đến việc bán thiết bị siêu âm cho Nga sụt giảm. Doanh số bán hàng giảm đã một nửa so với trước khủng hoảng và phải đến năm 2019, doanh số bán hàng mới trở lại mức 2013.”
“Là một công ty nhỏ, chúng tôi rất khó điều chỉnh chiến lược thị trường của mình vào lúc này vì [cuộc khủng hoảng Ukraine] xảy ra quá đột ngột.”
Gần đây, đồng nhân dân tệ đã duy trì sức mạnh và nổi bật như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn tài chính. Vào tháng 2/2022, nhân dân tệ đạt mức cao kỷ lục 6,31 so với USD, một mức chưa từng thấy kể từ tháng 4/2018.
Tỷ giá hối đoái nhân dân tệ thấp hơn có nghĩa là cần ít nhân dân tệ hơn để mua một USD, cho thấy đồng tiền Trung Quốc mạnh hơn.
Ông Steve Xie, người đã xuất khẩu hàng triệu mét vải nhuộm sang Nga cho biết: “Cho đến nay, khách hàng Nga không bị ảnh hưởng và chúng tôi đã giải quyết giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong một thời gian khá dài, thay cho USD”.
Ông Xie nói thêm: “Thương mại hàng đổi hàng giữa Nga và Trung Quốc có thể được thúc đẩy nhanh chóng do chiến tranh, và một số thương nhân vừa và nhỏ như chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng theo cách này”.
Ông Even Pay, một nhà phân tích của Trivium, cho biết tình hình chiến sự đã dẫn đến những bất ổn nghiêm trọng trong thương mại. Đồng thời, cuộc chiến sẽ góp phần gây ra “sự gián đoạn, chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển toàn cầu theo mọi phương thức”.
“Trung Quốc có các khoản đầu tư và kinh doanh tại các khu vực chiến sự của Ukraine. Các khoản đầu tư lớn của các công ty kinh doanh hàng hóa và vận tải thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc tại các cảng dọc Biển Đen đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giao tranh”, ông nói thêm.
Ông Pay giải thích: “Các ngân hàng của Trung Quốc đang vật lộn với cách tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như mức độ rủi ro cực cao trong việc tài trợ cho giao dịch của các doanh nghiệp với Nga. Điều đó sẽ tiếp tục đặt ra một thách thức khá lớn đối với thương mại trong ngắn hạn”.
Theo ông Zheng Bo, người sáng lập Livall, nhà sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp thông minh có trụ sở tại Thâm Quyến, các nhà máy của Trung Quốc lo ngại rằng giá logistic có thể tăng trở lại do khủng hoảng Ukraine. .
Theo Phòng Vận tải Quốc tế, các thuyền viên Nga và Ukraine chiếm 14,5% lực lượng lao động vận tải biển toàn cầu.
“Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Anh với Nga sẽ dẫn đến sự gia tăng khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại Nga -Trung. Đây có thể là một lý do giải thích cho việc đồng nhân dân tệ mạnh lên, nhưng đồng nhân dân tệ mạnh là một tin xấu đối với lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc” ông Zheng nói.