Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô mua bán đất trong vũ trụ ảo
Tờ People's Daily mới đây đã đưa ra một cảnh báo mới về vũ trụ ảo, tập trung vào những "kẻ đầu cơ" tham gia vào việc mua bán tài sản ảo và nói rằng các tổ chức, cá nhân rót vốn vào metaverse có nguy cơ bị mất trắng.
Cụ thể, trong một bài bình luận được xuất bản vào cuối tuần trước, Nhân dân nhật báo cho rằng việc mua và bán tài sản ảo trong vũ trụ ảo theo phương thức tổng hợp giống như "tài chính hóa sản phẩm", vì thế nó mang theo rủi ro vì tính biến động, gian lận, gây quỹ bất hợp phát và rửa tiền.
Vũ trụ ảo được big tech chấp nhận
Các công ty Big Tech của Trung Quốc bao gồm Tencent Holdings, Baidu và Alibaba Group Holding đã chấp nhận khái niệm vũ trụ ảo metaverse, gần như ngay lập tức đăng ký các nhãn hiệu liên quan.
Tencent đã triển khai nền tảng giao dịch NFT Huanhe vào tháng 8/2021, cho biết họ sẽ phát hành các bộ sưu tập kỹ thuật số trên nền tảng phát trực tuyến QQ Music. Vào tháng 6, Ant Group, chi nhánh fintech của Alibaba đã đưa hai hình ảnh được hỗ trợ bởi NFT để bán thông qua ứng dụng ví kỹ thuật số Alipay.
Về mặt khái niệm, vũ trụ ảo metaverse hứa hẹn sẽ là một thế giới ảo sống động như thật, nơi mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí, và được nhiều người coi là sự lặp lại tiếp theo của internet. Các giao dịch và mua các vật phẩm ảo trong metaverse được thực hiện bằng tiền điện tử, được hỗ trợ bởi các mã thông báo không thể thay thế (NFT) hoặc các tài sản kỹ thuật số khác.
Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa ban hành bất kỳ quy định nào rõ ràng (hoặc ghi nhận bản chất pháp lý) với NFT và các giao dịch được thực hiện với các tài sản kỹ thuật số khác. Nói cách khác, luật pháp Trung Quốc chưa công nhận tính hợp pháp của NFT, vũ trụ ảo hay tiền điện tử.
"Quy định nên được khuyến khích trước khi đổi mới", bài báo cho biết. "Những thứ mới lạ chắc chắn đi kèm với những rủi ro mới… sự phát triển tiên tiến của những điều mới lạ không nên không có ranh giới hoặc trật tự, và nó đòi hỏi sự khoan dung nhưng không được ham mê quá đà". Bên cạnh đó, phân tích cũng nói rằng vì metaverse vẫn còn ở giai đoạn đầu, mọi người nên đợi nó phát triển thêm để tránh bị "cháy túi".
Bán đất tại vũ trụ ảo
Bán đất siêu thị tại vũ trụ ảo đã thu hút sự chú ý của công chúng gần đây sau khi công ty tiền điện tử Canada Tokens.com công bố hồi tháng 12/2021 rằng họ đã đặt mua trước "miếng đất" trị giá 2,4 triệu USD trên nền tảng thực tế ảo Decentraland. Một tuần sau đó là Republic Realm có trụ sở tại New York chi 4,3 triệu USD để mua sân bay ảo qua nền tảng metaverse khác là The Sandbox.
Tại Trung Quốc, Honnverse, một nền tảng metaverse được phát triển bởi công ty có ảnh hưởng Inmyshow Digital tại Bắc Kinh mới đây cũng đã khởi chạy thử nghiệm beta cho việc bán bất động sản ảo.
Công ty đã cho tặng nhà ảo thông qua vé số và hệ thống đặt chỗ trước. Tuy nhiên, kết quả là một số người thắng cuộc đã niêm yết bất động sản đó trên các nền tảng thương mại điện tử, với giá chào bán lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ.
Đây không phải là cảnh báo đầu tiên của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về vũ trụ ảo metaverse và NFT. Hồi tháng trước, tờ People's Daily cũng nói rằng mọi người cần duy trì sự lý trí để hiểu được "cơn cuồng loạn" về vũ trụ ảo metaverse hiện nay.
Thời báo Chứng khoán, một ấn phẩm con của People's Daily cũng đánh giá rằng việc các doanh nghiệp toàn cầu đổ xô vào metaverse là rủi ro và đánh giá xu hướng là "lẽ thường thấy khi có một bong bóng lớn trong các giao dịch NFT" và "nhiều người mua chỉ tập trung vào NFT như một định dạng thay vì tác phẩm nghệ thuật hoặc bản thân tài sản được mua".