|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Trung Quốc chuốc lấy thất bại khi cố bắt chước Hàn Quốc

12:37 | 27/02/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc đã thất bại trong việc sao chép mô hình chaebol thành công ở Hàn Quốc, một trong những nguyên nhân chính là tham vọng quá lớn.
Trung Quốc cố bắt chước Hàn Quốc nhưng lại tự chuốc lấy thất bại - Ảnh 1.

Năm 2015, Chủ tịch Lotte Shin Dong-Bin công khai cúi đầu xin lỗi vì các cuộc đấu đá trong gia tộc đã làm gián đoạn công việc kinh doanh. Các chaebol của Hàn Quốc làm dấy lên khá nhiều tranh cãi nhưng vẫn minh bạch hơn nhiều so với các tập đoàn Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Khi doanh nghiệp Trung Quốc sao chép tốt nước ngoài, thế giới thường có thể kỳ vọng những đổi mới hàng đầu thế giới sớm ra đời. Trong trường hợp các tập đoàn –  tiếng Trung là jituan – Trung Quốc học theo mô hình chaebol của Hàn Quốc. Nhưng cho đến nay, các bản sao của Trung Quốc vẫn kém xa bản gốc.

Các vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất và gần đây nhất của Trung Quốc thường liên quan đến các tập đoàn. Bắc Kinh đang phải tiêu tốn hàng tỷ USD để dọn dẹp tàn dư từ vụ phá sản của Tập đoàn HNA và Tập đoàn Anbang Insurance. 

Tháng 9 năm ngoái, thị trường trái phiếu rác (junk bond) châu Á xôn xao vì lá thư được cho là từ Tập đoàn China Evergrande, cảnh báo về tình trạng thiếu tiền mặt. Evergrande tuyên bố lá thư là giả mạo nhưng những cáo buộc trong đó đã thổi bùng lên những mối nghi ngờ sẵn có về tình hình tài chính công ty. 

Chấn động lớn nhất từ làn sóng vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc đều đến từ các tập đoàn công nghiệp. Trong số đó có các tập đoàn nhà nước lớn nhất ở hai tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh. Tsinghua Unigroup, bộ phận không thể thiếu cho ước mơ thống trị ngành chất bán dẫn của ông Tập, mất khả năng thanh toán 2,5 tỷ USD trái phiếu vào tháng 12/2020.

Trung Quốc cố bắt chước Hàn Quốc nhưng lại tự chuốc lấy thất bại - Ảnh 2.

Hình mẫu chaebol lý tưởng

Không có gì lạ khi Trung Quốc ngưỡng mộ mô hình tập đoàn của Hàn Quốc. Các chaebol đã hoàn thiện nghệ thuật quản lý đế chế kinh doanh không ngừng mở rộng. Gia tộc sáng lập của một chaebol thiết lập hàng loạt lớp công ty holding, trong mỗi cấp độ lại nắm giữ nhiều cổ phần hơn bất kỳ thực thể đơn lẻ nào. 

Chaebol tận dụng sự ảnh hưởng này để giành quyền kiểm soát. Với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tương đối nhỏ, gia tộc sáng lập kiểm soát các công ty đáng giá hơn gấp nhiều lần. 

Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc là cổ đông lớn nhất của Samsung Electronics, sở hữu 10,8% công ty. Nhưng gia tộc Lee vẫn nắm quyền điều khiển, chủ yếu thông qua tổng số 13,5% cổ phần do Samsung C&T và Samsung Life Insurance. Gia tộc Lee có quyền kiểm soát đối với cả hai.

Trung Quốc cố bắt chước Hàn Quốc nhưng lại tự chuốc lấy thất bại - Ảnh 3.

Tuy các chaebol Hàn Quốc rất phức tạp, chúng vẫn minh bạch hơn nhiều tập đoàn Trung Quốc. Mục tiêu của các gia tộc sáng lập chủ yếu là lợi nhuận và không có tham vọng địa chính trị giống như doanh nghiệp Trung Quốc.

Tham vọng sai lầm

Theo Bloomberg, nỗ lực theo đuổi vị thế siêu cường của Trung Quốc là nguyên nhân lớn dẫn đến thất bại của một số tập đoàn lớn nhất nước này. Thông thường, động lực của chúng không phải là kinh doanh mà là mục tiêu thống trị ngành trên toàn cầu. Để làm vậy, tập đoàn buộc phải vay nợ. Tham vọng này là trở ngại khá lớn khi tập đoàn Trung Quốc đồng thời theo đuổi mô hình chaebol, vốn đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu.

Tsinghua Unigroup muốn trở thành Samsung thứ hai. Đế chế chất bán dẫn này có gần 46 tỷ USD tài sản và sở hữu 286 công ty con. Unigroup tận dụng chiến lược giống như chaebol để nắm trong tay nhà sản xuất chip nhớ flash tiên tiến Yangtze Memory Technologies (YMTC) với số vốn thấp.

Unigroup chỉ sở hữu trực tiếp 13% cổ phần YMTC. Nhưng vì Unigroup nắm giữ hơn 50% cổ phần ở mỗi cấp trong sơ đồ cơ cấu sở hữu của YMTC, nên Unigroup có quyền kiểm soát mọi hoạt động của YMTC. 

Trung Quốc cố bắt chước Hàn Quốc nhưng lại tự chuốc lấy thất bại - Ảnh 4.

"Đặc quyền" sở hữu YMTC là gánh nặng cực lớn với công ty mẹ là Unigroup. Việc phát triển sản xuất chip rất tốn kém và vốn đăng ký 56 tỷ nhân dân tệ (8,7 tỷ USD) của YMTC chỉ đủ để trang trải chi phí ban đầu.

Unigroup đã dành riêng 24 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của YMTC. Đến năm 2019, dự án này vẫn lỗ. Tính đến tháng 6/2020, YMTC nợ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hơn 7 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD), tất cả đều do Unigroup bảo đảm.

Unigroup cũng ngập trong những khối nợ mà tập đoàn gánh thay các công ty con khác.

Trên cơ sở hợp nhất, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Unigroup và toàn bộ công ty con là 125% vào tháng 6/2020. Con số này tuy cao những vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng đòn bẩy ở cấp độ công ty holding là gần gấp 10 lần, trong khi chỉ có 5,1 tỷ nhân dân tệ tiền mặt trong tài khoản. 

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Unigroup không trả được 450 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 12/2020. Thất bại này lần lượt gây ra các vụ vỡ nợ chéo với quy mô 2,5 tỷ USD.

Lằn ranh đỏ và lỗ hổng

Một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã sử dụng "cửa sau" để che giấu các khoản nợ ngày càng phình to và trốn tránh sự giám sát. Thành lập liên doanh chính là cửa sau hữu hiệu.

Liên doanh không thực sự là một phần của tập đoàn vì có vẻ ngoài là các thực thể riêng biệt. Liên doanh cho phép tập đoàn gia nhập thị trường mới với danh tiếng vay mượn từ đối tác. Nhưng chúng cũng góp phần gây ra sự thiếu minh bạch.

Liên doanh còn là cách thức khôn ngoan để làm đẹp báo cáo tài chính. Việc vay vốn của nhiều tập đoàn đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi Bắc Kinh tung ra chiến dịch giảm đòn bẩy doanh nghiệp. Tháng 8 năm ngoái, chính phủ mạnh tay hơn nữa với việc áp dụng "ba lằn ranh đỏ".

Theo đó, các nhà phát triển bất động sản vượt quá bộ ba chỉ số đòn bẩy được giám sát bởi các cơ quan quản lý sẽ bị cấm vay thêm tiền. Nhưng biện pháp này có lỗ hổng: Doanh nghiệp không bắt buộc phải tiết lộ chi tiết tài chính về các liên doanh mà họ chỉ nắm cổ phần thiểu số. Như vậy, doanh nghiệp có thể đẩy nợ sang liên doanh và tránh né lằn ranh đỏ. 

Đây chính là công thức cho những bất ngờ khó chịu. Các nhà phát triển bất động sản thường đứng ra đảm bảo cho nợ của liên doanh. Điều này có nghĩa là nhà phát triển sẽ phải gồng mình trả nợ nếu dự án thất bại. 

Nhiều người choáng váng khi thấy đòn bẩy của các công ty bất động sản đột ngột tăng vọt lên. Nhưng chực chất chúng đã được tích lũy từ lâu, chỉ là mới lộ ra mà thôi.

Các lớp lộn xộn

Hiệu ứng phân lớp có thể tạo ra sơ đồ cơ cấu sở hữu tập đoàn rối như tơ vò. Sự phức tạp này làm suy giảm chất lượng quản trị và khiến nhiều nhân sự nản lỏng. Cơ cấu tập đoàn kiểu như vậy cũng là cách hoàn hảo để bảo vệ tài sản chất lượng không rơi vào tay chủ nợ.

Tháng 9/2020, khoảng một tháng trước khi vỡ nợ, tập đoàn Brilliance Auto – DNNN lớn nhất ở tỉnh Liêu Ninh – chuyển cổ phần trong một liên doanh đang thành công với BMG AG cho một công ty con khác.

Tiếp theo công ty này lại dùng số cổ phần đó cho "một tổ chức thứ ba độc lập" làm tài sản thế chấp nợ vay. Nói cách khác, chủ nợ tưởng rằng họ có thể đòi lại tiền từ tài sản tốt của tập đoàn, nhưng tập đoàn lại lợi dụng cơ cấu sở hữu phức tạp để đẩy nó ra xa khỏi tầm tay của chủ nợ.

Hành động này làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhà đầu tư chủ động của Trung Quốc. Đến cuối tháng 12, Brilliance Auto cuối cùng cũng phải nhả ra số cổ phiếu đã mang đi thế chấp. 

Giang