|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Trung Quốc: Chi phí sản xuất tại Việt Nam đang tăng lên

17:18 | 24/07/2024
Chia sẻ
Việt Nam từ lâu đã là điểm đến ưa thích của các dự án, nhưng hiện tại, vấn đề gia tăng chi phí đang khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải lưu tâm.

 

Chi phí gia tăng

Theo SCMP, cách đây ba năm, Chervon, nhà sản xuất của Trung Quốc, đã khai trương nhà máy nhỏ ở Việt Nam, sản xuất 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm, với hy vọng có thể giảm chi phí và tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô tăng 10% và chi phí vận hành đi lên đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn dự kiến, Phó Tổng Giám đốc Chervon Ren Jianjun cho biết.

Ông Ren ước tính, chi phí tổng thể ở Việt Nam cao hơn khoảng 7% so với Trung Quốc, gần tương đương mức thuế 7,5% của Mỹ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7/2018.

Việt Nam đã duy trì chi phí thấp trong hơn 15 năm để thu hút hàng chục nghìn dự án đầu tư nước ngoài từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, chi phí sản xuất tại Việt Nam cũng bắt đầu gia tăng.

Bà Vivie Wei, Giám đốc khu vực Việt Nam của công ty Dezan Shira & Associates nhận xét rằng đầu tư để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam đòi hỏi khá nhiều chi phí. “Chi phí lao động có vẻ thấp nhưng những chế độ phúc lợi khác có phần nhỉnh hơn Trung Quốc", bà Wei nói.

Bên cạnh đó, giá đất ở Việt Nam đã tăng đáng kể ở các thành phố lớn và khu công nghiệp do quá trình đô thị hóa và nhu cầu về bất động sản tăng. Trong 4 năm qua, giá thuê nhà trung bình đã tăng 7% mỗi năm ở miền Bắc và 13% ở miền Nam.

Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của IFM Research tại TP HCM đánh giá, lao động ở Việt Nam có chi phí thấp hơn 23% so với ở Trung Quốc, với mức lương thấp nhất là 150 USD/tháng.

Ông Jack Nguyen, CEO của InCorp tại TP HCM cho rằng nguồn lao động Việt Nam không phải vô hạn, doanh nghiệp nào có thể trả lương cao hơn thì sẽ thu hút lao động hơn. Thêm vào đó, lĩnh vực công nghệ thường trả lương cao hơn các lĩnh vực khác.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy trong nửa đầu năm 2024, số lượng dự án đầu tư mới của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 477 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,01 tỷ USD. Con số này đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể so với 233 dự án của cùng kỳ năm 2023, tiếp nối xu hướng gia tăng liên tục từ 204 dự án năm 2021, 283 dự án năm 2022 và 707 dự án năm 2023.

Cân nhắc về chiến lược “Trung Quốc + 1”

Theo chuyên gia kinh tế Lynn Song của ING Greater China, các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Sri Lanka là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong các lĩnh vực thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp, nhưng Việt Nam lại có lợi thế về nguồn lao động và cơ sở hạ tầng, logistics phát triển hơn.

PGS. Fan Di, Đại học Công nghệ Hong Kong nhận định, việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho các ngành công nghệ cao, đòi hỏi sự đa dạng hóa có thể gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nếu cụm ngành chưa phát triển, doanh nghiệp có thể gặp trở ngại trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác phù hợp.

Vì vậy, các doanh nghiệp đang cân nhắc giữa việc chuyển một phần hoạt động ra khỏi Trung Quốc hoặc tiếp tục duy trì chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Xu hướng “Trung Quốc + 1” sẽ không dừng lại và các nhà sản xuất sẽ tìm thấy sự cân bằng về lâu dài, quyết định bao nhiêu phần trăm hoạt động của họ nên ở lại Trung Quốc và bao nhiêu phần trăm nên chuyển sang những nơi khác có thể giúp tối ưu hóa hiệu quả và sự phát triển của sản phẩm.

 

Anh My

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.