|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp 'tranh thủ' phát hành trái phiếu trước Nghị định 81

08:35 | 17/08/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, qui mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng, thị trường tiềm ẩn rủi ro

Theo số liệu thống kê mới nhất từ CTCP Chứng khoán SSI, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quí II/2020 là 122.300 tỉ đồng, tăng 69,7% so với cùng ; lũy kế 6 tháng đầu năm là 171.500 tỉ đồng, tăng 61,3% và bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019. 

Trong đó, chỉ có 10.000 tỉ đồng trái phiếu của Tập đoàn Masan là phát hành ra công chúng, chiếm 5,8% tổng lượng phát hành. Ngoài ra, 94,2% còn lại là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp và được chia thành 826 đợt. 

Về cơ cấu phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, tổng cộng 71.600 tỉ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kì. 

Đứng thứ hai là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành là 47.300 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 27,6% và tăng 31,2%. Nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10.500 tỉ đồng, chiếm 6,1% và gấp 5,3 lần cùng kì năm 2019. 

Phần còn lại là nhóm phát triển hạ tầng, các công ty dịch vụ tài chính và các doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp 'tranh thủ' tăng phát hành trái phiếu trước Nghị định 81 - Ảnh 1.

Từ số liệu thống kê cho thấy qui mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.

Theo SSI, sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là tất yếu để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính Việt Nam. 

Tuy nhiên, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường. 

Do đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo với thị trường, lấy ý kiến thị trường. Ngày 9/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020 với một số điểm quan trọng.

Doanh nghiệp 'tranh thủ' tăng phát hành trái phiếu trước Nghị định 81 - Ảnh 2.

Các điểm mới cần lưu ý trong Nghị định 81. Nguồn: SSI

Thứ nhất, để hạn chế khối lượng phát hành của mỗi doanh nghiệp, dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành, bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành, không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quí gần nhất. 

Thứ hai là giảm tình trạng chia nhỏ lô phát hành để đảm bảo điều kiện là chào bán riêng lẻ. Theo đó, các đợt phát hành phải phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Thứ ba là tiêu chuẩn với tổ chức phát hành phải nâng cao. Cụ thể, BCTC kiểm toán trong bộ hồ sơ phát hành phải có ý kiến chấp nhận toàn phần, nếu ngoại trừ phải có giải thích hợp lí và xác nhận của kiểm toán yếu tố ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành.

Ngoài ra, Sở GDCK báo cáo định kì hàng tháng/quí/năm cho Bộ Tài chính thay vì 6 tháng như trước đây. Điều này nhằm đảm bảo tính cập nhật của thông tin và sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Doanh nghiệp "tranh thủ" phát hành trái phiếu trước khi Nghị định 81 có hiệu lực

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị định 81, Bộ Tài chính đã có dự thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường nhiều lần kể từ đầu năm đến nay. Sự gia tăng phát hành mạnh trong quí II/2020 một phần cũng là sự tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt lại. 

Bởi vậy, Chứng khoán SSI nhận định trong tháng 7 - 8/2020, các doanh nghiếp có thể tiếp tục tăng mạnh phát hành trước khi Nghị định 81 chính thức có hiệu lực. Sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. 

Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, trái với thị trường sơ cấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp được dự báo vẫn sôi động trong nửa cuối năm 2020. Nguyên nhân là mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng cùng với kho trái phiếu doanh nghiệp lớn, ngoài ra còn sự tham gia ngày càng tích cực của các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Theo SSI, Nghị định 81 đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ nhưng không có quy định mới đối với phía nhà đầu tư. 

Kể từ 1/1/2021, khi Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét dỡ bỏ bớt các quy định tại Nghị định 81.

Thu Thủy