|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp TP HCM tập trung phát triển thị phần trong nước chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020

07:58 | 19/10/2019
Chia sẻ
Mặc dù 9 tháng đầu năm hoạt động sản xuất, tiêu thụ của nhiều ngành hàng tăng trưởng không như kì vọng nhưng dự báo những tháng cuối năm và Tết Canh Tý 2020 tình hình sẽ khả quan hơn.

Số liệu thống kê của Sở Công Thương TP HCM công bố chiều 18/10 cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 31 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kì năm ngoái. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 29,3 tỉ USD, tăng 26%.

Ở chiều ngược lại tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 37,3 tỉ USD, tăng 8,2% so cùng kì năm trước. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 48,5%; sắt thép các loại tăng 5,4%…

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 9 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 7,3%.

Theo Sở Công Thương sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2019 của thành phố có tăng trưởng với tỉ lệ tăng dần, cụ thể 3 tháng tăng 6,3%; 6 tháng tăng 7% và 9 tháng ước tăng 7,3% so cùng kì năm 2018.

e65b68281433f26dab22

Đại diện Sở Công Thương TP HCM công bố thông tin định kì 9 tháng đầu năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng tốc độ tăng trưởng không cao bằng mức tăng của cùng kì năm 2018 với mức tăng 7,89%, phản ánh nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối diện.

Đối với bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2019 ước tăng hơn 6%. Trong đó, ngành điện tử tăng 22,5%, ngành cơ khí tăng 8,6%, ngành hóa dược chỉ tăng 1%, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,7% so cùng kì năm ngoái. 

Đại diện Sở Công Thương cho biết 3 nguyên nhân khiến ngành lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0,7% là do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi đã tác động đến tâm lí người tiêu dùng, giảm mạnh mức tiêu thụ đối với các mặt hàng từ thịt heo, các mặt hàng chế biến từ thịt heo. Cùng với chỉ số tồn kho của ngành tăng khi doanh nghiệp vẫn sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu năm. 

Đặc biệt các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc do hàng rào kĩ thuật với nhiều chính sách mới về thuế, quản lí nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch,…

a20ee314860f6051391e (1)

Thị trường có nhiều biến động về nguồn cung dẫn đến tâm lí lo lắng của người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, Sở Công Thương TP HCM dự báo tình hình sản xuất của ngành lương thực thực phẩm đồ uống sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

 Để chuẩn bị hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung xuất khẩu như trước đây thì nay đã đầu tư phát triển thị phần trong nước, với các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm bên cạnh những ngành giảm, sản xuất công nghiệp thành phố vẫn duy trì hoạt động ổn định và đạt kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, sản xuất và phân phối điện tăng 9%. Đáng lưu ý, ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng và đổi mới công nghệ, các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử,... luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.


Như Huỳnh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.