|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu của TP HCM đến ngưỡng giới hạn?

16:53 | 17/10/2019
Chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia, TP HCM sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá cho hoạt động xuất khẩu sau những dấu hiệu cho thấy vị trí dẫn đầu của thành phố đang bị lung lay.

Xuất khẩu của TP HCM mất dần lợi thế cạnh tranh

Tại hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu TP HCM giai đoạn 2000 - 2019 diễn ra ngày 17/10, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết dù xuất khẩu vẫn đang phát triển nhưng số liệu thống kê cho thấy đã có dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm, cơ cấu chậm chuyển dịch và chịu tác động mạnh diễn biến kinh tế thế giới.

Thống kê của Sở Công Thương TP HCM cho biết riêng 9 tháng 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP ước đạt 30,7 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kì năm ngoái. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu TP HCM ước đạt 38,1 tỉ USD.

Hiện tại, TP có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, dự kiến năm 2019 sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỉ USD; giày dép khoảng 1,9 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ chừng 1,6 tỉ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Tuy nhiên tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP HCM so với cả nước đang giảm dần, từ 50% cả nước năm 2000 đã xuống 16% trong năm 2018 với trên 38 tỉ USD.

17

Hoạt đoạng xuất khẩu của TP HCM giai đoạn 2000 - 2018. Nguồn: Sở Công thương TP HCM.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP HCM, thứ hai là Mỹ, kế đến là Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia. Xuất khẩu sang Liên minh châu ÂU (EU) chiếm tỉ trọng rất thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Cụ thể, năm 2005 thành phần kinh tế trong nước chiếm 55% và thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45% thì đến cuối năm 2018 cơ cấu tương ứng là 48,9% và 51,1%.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu.

Đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng qui mô sản xuất, xuất khẩu.

Theo ông Phong một trong những lí do khiến cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động là diễn biến kinh tế thế giới như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 - 2012 và gần đây nhất là tác động xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc…

Trao đổi với người viết, TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện chính sách công TP HCM, cho rằng gần đây xuất khẩu của TP đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. 

Nguyên nhân xuất khẩu của TP HCM vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh của thành phố.

19db203b1329f577ac38

TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện chính sách công TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Biểu hiện rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm so với cả nước và các địa phương khác dẫn đến tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố so với cả nước ngày càng giảm.

"Đến nay chúng ta chưa đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu và hàm lượng giá trị gia tăng thấp trong các ngành hàng xuất khẩu theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm ngành và chuỗi giá trị. 

Chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cho từng ngành thiếu tính hệ thống và kém hiệu quả. Chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học", ông Khải chia sẻ.

Tìm những giải pháp chiến lược, đột phá

GS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng điểm mạnh của TP HCM so với nhiều địa phương khác là đã chuyển dịch nhanh chóng từ xuất khẩu sản phẩm thô sang tập trung vào nhiều sản phẩm ở lĩnh vực công nghệ, chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế số phát triển và sản phẩm truyền thống đã đến ngưỡng bão hòa, không còn nhiều tiềm năng để khai thác thêm, TP HCM cần có giải pháp chuyển đổi sang đầu tư vào xuất khẩu dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, du lịch, y tế, giáo dục.

4ba77a4c495eaf00f64f

Toàn cảnh hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu TP HCM giai đoạn 2000-2019 diễn ra ngày 17/10 tai TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

"Xuất khẩu không còn đơn thuần là đưa sản phẩm sang nước khác mà cần tận dụng lợi thế của công nghiệp 4.0, dịch vụ internet để tăng tỉ lệ xuất khẩu trực tuyến, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu mang tính hợp thời, sản phẩm công nghệ cao... 

Và để làm được điều nay, giải pháp cải thiện trình độ nhân lực, lao động là hết sức cần thiết", ông Thịnh gợi ý.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay theo đề án phát triển xuất khẩu TP HCM, mô hình tăng trưởng xuất khẩu TP HCM trong thời gian tới sẽ là tiếp tục phát huy những sản phẩm truyền thống như dệt may, da giày để duy trì kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động lẫn đóng góp cho ngân sách nhưng cũng cần tập trung đầu tư cho các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao. 

Theo đó, để dẫn dắt hoạt động xuất khẩu thì không thể tiếp tục dựa vào sản phẩm truyền thống mà phải chuyển dịch sang hướng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu, trong đó quan trọng nhất là logistics và dịch vụ nền, đưa TP HCM thành trung tâm logistics và cung ứng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. 

Cuối cùng là tập trung vào xuất khẩu dịch vụ và sản phẩm số hóa, gồm phần mềm và dịch vụ số để tạo sức bật.

7a3fb77e876c6132387d

Bà Lê Thị Bích Loan, quyền Trưởng Ban Quản lí Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn theo bà Lê Thị Bích Loan, quyền Trưởng Ban Quản lí Khu Công nghệ cao TP HCM mục tiêu của TP HCM là từ năm 2021 trở đi Khu Công nghệ cao sẽ trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu trong khu vực và là hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng phát trển nền kinh tế tri thức. 

Cùng với đó là xây dựng thương hiệu toàn cầu cho công nghệ cao Việt Nam, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Do đó, để đạt được mục tiêu này, cần thiết bổ sung quĩ đất để hình thành trung tâm không gian khoa học sáng tạo gắn kết Khu Công nghệ cao hiện hữu, tăng cường quĩ đất cho các dự án khu công nghệ cao chuyên đề, tạo điều kiện hình thành trung tâm kĩ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam. 

Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại...

Như Huỳnh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.