|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hải quan TP HCM gỡ vướng mắc cho DN thông quan nhanh hàng hóa xuất khẩu

11:12 | 10/10/2019
Chia sẻ
Nhóm các vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề kiểm tra chuyên ngành, hệ thống công nghệ thông tin, xuất xứ hàng hóa... Do đó, Cục Hải quan TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp lúng túng với các thủ tục quản lí của hải quan

Ngày 9/10, Cục Hải quan TP HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đã tổ chức tọa đàm "Đồng hành triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)".

Tại buổi tọa đàm, không ít doanh nghiệp nêu băn khoăn về các thủ tục thông quan hàng hóa nhất là việc thu thập, xử lí thông tin quản lí từ phía cơ quan hải quan qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Đại diện CTCP may Hữu Nghị đặt vấn đề về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến có được thực hiện cho việc điều chỉnh số lượng, tên hàng, mã hàng… tại cửa khẩu và có thực hiện được ngoài giờ hành chính hay không?

Trả lời vấn đề này, đại diện Chi cục Hải quan quản lí hàng gia công cho biết thủ tục khai bổ sung hồ sơ hải quan phải được thao tác trực tiếp trên hệ thống VNACCS (hệ thống thông quan hàng hóa tự động). Còn việc thực hiện thủ tục trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến có thể thực hiện tại các Chi cục hải quan.

Riêng với việc đăng kí làm ngoài giờ trực tuyến được thực hiện trên hệ thống, phía Cục Hải quan TP HCM lưu ý doanh nghiệp đăng kí trong giờ hành chính để lãnh đạo đơn vị phân công công chức hải quan trực ngoài giờ giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

DSC04717

Lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM và các đại biểu trả lời thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: NH.

Một vấn đề khác, doanh nghiệp thắc mắc về trường hợp doanh nghiệp A mua hàng với giá 10.000 USD/sản phẩm, nhưng cũng mặt hàng này doanh nghiệp B phải mua (cùng đối tác) với giá 12.000 USD/sản phẩm. 

Như vậy, trên hệ thống cơ quan hải quan tồn tại 2 mức giá khác nhau.

Đại diện Cục Hải quan TP HCM trả lời rằng theo Thông tư 60/2019/TT-BTC (sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu), phương pháp đầu tiên là xác định trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu.

Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ 4 điều kiện và chứng minh được cho cơ quan hải quan 4 điều điều kiện thỏa mãn, thì không lí do gì cơ quan hải quan điều chỉnh từ 10.000 USD lên 12.000 USD. 

Vì giá cả hàng hóa do sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được mời đến cần có người đại diện am hiểu để có thể giải trình tường tận, rõ ràng, thì cơ quan hải quan sẽ chấp nhận trị giá khai báo.

Ngoài ra, với vướng mắc của doanh nghiệp về việc cơ quan thuế nội địa xem xét các mức giá mua vào của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó phòng Thuế Xuất Nhập khẩu, Cục Hải quan TP HCM, cho rằng việc cơ quan hải quan tham vấn, điều chỉnh tăng trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu không ảnh hưởng đến việc thanh tra thuế nội địa. 

Cơ quan hải quan không kết luật doanh nghiệp chuyển giá. Trong trường hợp cụ thể, doanh nghiệp liên hệ để cơ quan hải quan có văn bản trao đổi với cơ quan thuế.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền tự khai báo và tự chịu trách nhiệm, cơ quan hải quan đang thực hiện quản lí rủi ro với tỉ lệ tờ khai được vào luồng xanh rất lớn.

Triển khai nhiều biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Euro Cham, cho biết với EVFTA doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị nhiều vấn đề để hội nhập, để được chấp nhận và ưu đãi thuế. 

Ngoài các thử thách trong hoạt động xuất nhập khẩu thông thường thì chất lượng hàng hóa là rất quan trọng bởi châu Âu là thị trường khắt khe từ các qui chuẩn.

"Trong giai đoạn khó khăn về các qui định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm động thực vật được kiểm tra kĩ, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến các qui định về tính bền vững của sản phẩm về môi trường. 

Hiện nay có cảnh báo đánh bắt hải sản không đúng luật, không báo cáo và bị thẻ vàng. Vấn đề này chúng tôi hi vọng giải quyết nhanh để duy trì tính ổn định".

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần áp dụng đúng các qui chuẩn về nguồn gốc của các sản phẩm gỗ, có bền vững, có tiềm năng hay không hoặc các điều kiện sản xuất, an toàn lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo đảm nhân quyền cũng rất được chú trọng.

Bởi, các doanh nghiệp châu Âu không hài lòng với các doanh nghiệp bốc lột sức lao động, nhất là trẻ em..., Phó Chủ tịch Euro Cham chia sẻ.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết qua các kì đối thoại với doanh nghiệp, Cục Hải quan TP HCM nhận diện được nhóm vướng mắc như kiểm tra chuyên ngành, hệ thống công nghệ thông tin, xuất xứ hàng hóa...

Khi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp. 

Do đó, để tạo thuận lợi hóa thương mại cho các doanh nghiệp, Cục đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến, thay đổi sắp xếp bộ máy, con người, cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Trong đó, đơn vị thực hiện tham vấn một lần, giúp doanh nghiệp chủ động được thời gian nhập khẩu hàng hóa. 

Bên cạnh đó, để thông quan nhanh hàng hóa xuất khẩu qua cảng Cát Lái, Cục phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai đề án thông quan nhanh hàng hóa ngay tại cầu cảng…

"Hải quan TP HCM phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai đề án 'Tạo thuận lợi thương mại thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái' vì đây là cảng chiếm khoảng 80% lưu lượng hàng hóa khu vực phía Nam với gần 15.000 container xuất nhập khẩu mỗi ngày", Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho hay.

Như Huỳnh