|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại diện Minh Phú: Điều tra của Hải quan Mỹ đều là bí mật, khi nào họ thông báo thì mình mới được biết

14:38 | 07/06/2019
Chia sẻ
Đại diện Minh Phú cho hay đến nay Tập đoàn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hay thông báo nào từ Cục hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho thấy CBP đã quyết định khởi xướng điều tra.

Chiều 7/6, CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) có buổi họp báo chia sẻ về việc mới đây bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá tôm Ấn Độ tại Mỹ vào ngày 4/6.

CBP có 95 ngày để cân nhắc thông tin về cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra

Cụ thể Minh Phú cho hay đến ngày 5/6, Tập đoàn mới nhận được thông tin về việc ôg Darin LaHood, Nghị sỹ Mỹ đã gửi yêu cầu Cục hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối tới Tập đoàn Minh Phú. 

Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử tới Nghị sỹ LaHood, cáo buộc Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất khẩu sang thị trường Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam.

Lãnh đạo Minh Phú cho biết, tới thời điểm này, Tập đoàn vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ CBP hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên, hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Công ty vẫn tiến hành thông quan bình thường.

Bà Đinh Ánh Tuyết, Luật sư tư vấn và đại diện của Minh Phú cho biết: "Tất cả cuộc điều tra của Hải qua Mỹ đều là bí mật, đến khi nào họ thông báo thì mình mới được biết. 

Bản thân Minh Phú đã chỉ định luật sư đại diện và chủ động liên lạc hải quan Mỹ, sẵn sàng hợp tác trong trường hợp có yêu cầu. Hải quan trả lời rằng họ có thủ tục riêng và sẽ gửi thông báo cho các bên, trong thời gian họ chưa gửi thông báo thì Hải quan Mỹ không mông muốn nhận bất kì điều gì từ các bên".

Theo tư vấn từ Luật sư Tập đoàn Minh Phú tại Mỹ, sau khi CBP nhận được các yêu cầu cáo buộc từ các bên liên quan hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi hành năm 2015 của Mỹ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ ra thông báo về kết luận chỉ sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định.

Như vậy, theo Minh Phú, bức thư nêu trên của ông Nghị sỹ LaHood chỉ đơn giản la một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định, hay kết luận của cơ quan nhà nước về vấn đề này.

"Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hay thông báo nào từ CBP cho thấy CBP đã quyết định khởi xướng điều tra", Minh Phú khẳng định.

Đại diện Minh Phú: Điều tra của Hải quan Mỹ đều là bí mật, khi nào họ thông báo thì mình mới được biết - Ảnh 1.

Tôm của Minh Phú. (Ảnh: TV)

Minh Phú có nhập khẩu nguyên liệu từ tôm Ấn Độ

Về việc sử dụng tôm nhập khẩu, lãnh đạo Minh Phú không phủ nhận rằng có nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đặp cho sự thiếu hụt tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.

Thực tế, phía Minh Phú cho hay thông kê sơ bộ của họ cho thấy lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ khoảng 10% trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.

Lãnh đạo công ty lưu ý, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.

Minh Phú cho biết, từ năm 2014 Tập đaoàn đã có hơn 10 năm tham gia điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam. Công ty khẳng định luôn được đánh giá là doanh nghiệp hợp tác đầy đủ và có hệ thống lưu trữ báo cáo số liệu chi tiết tốt được Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận. Ngoài ra, với tư cách là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Việt Nam, có sản phẩm được trên 50 nước chấp nhận, hệ thống sản xuất của Minh Phú được kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên bởi cơ quan cấp chứng nhận quốc tế, các cơ quan chuyên môn, hải quan từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo đó, Minh Phú cho biết: "Vô cùng thận trọng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại Mỹ, Việt Nam hay bất kỳ quốc nào mà chúng tôi xuất khẩu sản phẩm".

"Dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì Tập đoàn Minh Phú cũng hoàn toàn tự tin đã nỗ lực trong tuân thủ pháp luật Mỹ, quy định WTO. Chúng tôi sử dụng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ không phải vì mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ.

Tập đoàn chỉ nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để đáp ứng sự gia tăng trong nhu cầu tôm chế biến từ các thị trường khác ngoài Mỹ, ổn định đời sống cho lao động trong thời điểm nguồn cung trong nước thiếu hụt.

Trong mọi trường hợp Minh Phú cho hay luôn thực thi hệ thống kiểm soát nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ sản phẩm. Do vậy, Tập đoàn Minh Phú tin rằng bất kỳ cuộc điều tra nào của CBP sẽ chỉ tới kết luận là Minh Phú hoàn toàn không vi phạm pháp luật Mỹ", đại diện "vua tôm" thông tin.

Ngoài ra, với mọi trường hợp, Minh Phú luôn có nguồn cung ứng tôm nguyên liệu phong phú, việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ sẽ không gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty.

Tỷ trọng xuất khẩu tôm Minh Phú sang Mỹ giảm dù được bỏ lệnh áp thuế chống phá giá tại Mỹ

Quý I/2019, lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ của Minh Phú đạt khoảng 33% tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015.

Điều này cho thấy dù năm 2016 Tập đoàn đã được bỏ lệnh áp thuế chống phá giá nhưng Minh Phú không hề đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ, mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Âu và các nước lân cận.

Như Huỳnh