Chủ tịch Sao Ta: Tình huống hiện nay của Minh Phú là một bài học, cảnh báo chung cho DN tôm Việt
Thuế sơ bộ POR13 và thông tin Minh Phú có thể bị Mỹ đưa vào diện điều tra là hai sự kiện riêng biệt
Ông Hồ Quốc Lực. (Nguồn: dautucophieu)
Chủ tịch CTCP Thực Phẩm Sao Ta (Mã: FMC), ông Hồ Quốc Lực, trong bản thư gửi cổ đông mới đây chia sẻ quan điểm của ông về thông tin một doanh nghiệp tôm lớn Việt Nam, cụ thể là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), có thể bị cơ quan chức năng Mỹ đưa vào diện điều tra, nghi ngờ mua tôm từ Ấn Độ, tái chế, bán vào Mỹ. Nếu như vậy sẽ vi phạm những quy định về luật của Mỹ. Liệu tình huống này có ảnh hưởng các doanh nghiệp tôm còn lại bán hàng vào Mỹ hay không.
Ông Lực cho hay, thông tin trên có thể còn diễn biến thêm hay không, chưa có căn cứ, chưa biết được.
Đối với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR13 là 0%, liệu tình huống trên có thể ảnh hưởng khiến mức thuế cuối cùng xấu đi hay không, theo ông Lực, vấn đề trên không ảnh hưởng kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR13, bởi doanh nghiệp tôm bị đồn đoán trên không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Mỹ. Hai sự kiện này không là một.
Ngoài ra, với câu hỏi Sao Ta có mua và bán tương tự như trên không, ông Lực cho hay rằng: "Sao ta là bị đơn bắt buộc trong POR13. Sổ sách Sao Ta đã được nhân viên Bộ Thương mại Mỹ thẩm tra là trung thực. Mặt khác về mặt đạo đức kinh doanh, quan điểm Sao Ta là tôn trọng pháp luật, cố gắng không vì lợi ích riêng mà làm phương hại tới cộng đồng".
Tình huống hiện nay của Minh Phú là một bài học, cảnh báo chung DN tôm Việt
Ông Lực cho biết thêm, thời gian dài vừa qua, Việt Nam có nhập khẩu tôm từ một số nước như Ecuador, Ấn Độ. Nhưng đa phần lượng tôm này mượn Việt Nam trung chuyển để điểm tới cuối cùng là Trung Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong rất nhiều năm phản áhh tình hình này lên Chính phủ và Bộ ngành liên quan nhằm tránh tai tiếng cho ngành tôm Việt. Đến thời điểm này, đã giảm thiểu tối đa chuyện trên qua các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cũng theo ông Lực, trong giai đoạn tôm nuôi bị dịch bệnh EMS (2010 - 2015) làm thiệt hại lớn, nguồn tôm nguyên liệu giảm, các cơ sở chế biến Việt Nam đành chữa lửa phần nào thông qua tận dụng nguồn tôm giá rẻ nói trên.
Từ vài năm lại đây, chương trình hành động quốc gia phát triển ngành tôm đã có chuyển biến rõ rệt, nguồn tôm nuôi tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu các cơ sở chế biến. Từ cuối năm 2018 chương trình SIMP từ Mỹ có hiệu lực là sự cảnh báo mạnh mẽ nhất để các doanh nghiệp tôm Việt biết chọn đường đi đúng đắn.
"Câu chuyện Minh Phú mới đây thực hư ra sao chưa có cơ sở rõ ràng. Uy tín một doanh nghiệp cực kỳ quan trọng, thiết nghĩ Minh Phú không thể để yên, phải có sự bào chữa cho mình", ông Lực nêu quan điểm.
Sắp tới đây, khi Ấn Độ không còn ưu đãi thuế quan vào Mỹ, tôm Ấn Độ sẽ bị hai loại thuế khi bán vào Mỹ, doanh nghiệp nào vi phạm như Minh Phú bị cáo buộc chắc sẽ bị cơ quan chức năng Mỹ kiểm tra, giám sát. Nếu vi phạm nhiều cũng có thể bị biện pháp răn đe mạnh hơn.
Vậy nên, theo ông Lực, tình huống hiện nay của Minh Phú là một bài học, một cảnh báo chung cho các doanh nghiệp tôm Việt. Cũng nói thêm khi tôm Ấn Độ hết ưu đãi thuế quan khi bán vào Mỹ, tôm Việt sẽ tăng lợi thế ở thị trường này.
Ông Lực hy vọng Minh Phú sẽ chứng minh được, đòi lại sự công bằng cho mình để ngành tôm Việt được sự tín nhiệm ngày càng tốt hơn từ tất cả thị trường.