|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Vua' tôm Minh Phú kiến nghị DN xã hội trong chuỗi liên kết tôm không chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán

12:56 | 02/05/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú kiến nghị Chính phủ rằng các doanh nghiệp xã hội trong chuỗi liên kết tôm không chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, không chịu sự kiểm soát của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
Vua tôm Minh Phú kiến nghị DN xã hội trong chuỗi liên kết tôm không chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán - Ảnh 1.

(Ảnh: ĐQ)

Phát biểu tại phiên Hiến kế về nông nghiệp, tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngành tôm Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ khi sản lượng tôm đạt tới 760.000 tấn vào năm 2018, đem về 3,6 tỉ USD. 

Ông Luân nhấn mạnh đây là sản lượng mà không nước nào đạt được.

"Theo Quyết định 79 của Thủ tướng về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, kì vọng đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 10 tỉ USD, trong đó tôm thẻ và tôm sú đạt 8,4 tỉ USD", ông Luân cho biết.

Thực trạng lớn nhất của tôm là ngành sản xuất nhỏ lẻ. Khi đó, không truy xuất được nguồn gốc, từ đó không có chứng nhận quốc tế, giấy thông hành để bán tôm vào các thị trường lớn trên thế giới. Mỗi một thị trường có mỗi chứng nhận quốc tế khác nhau, ông Quang Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú chia sẻ.

Ông nêu đơn cử Mỹ có chứng nhận UPC, Châu Âu có chứng nhận ASC, hay Global GAP. Nếu là một hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì không thể nào có chứng nhận hay đa chứng nhận được.

Vì vậy, chỉ bán được hàng và với giá tốt khi có chứng nhận và đa chứng nhận. Muốn được chứng nhận và đa chứng nhận thì phải truy xuất nguồn gốc và phải liên kết thành chuỗi.

Để giải quyết vấn đề sản xuất lớn cho ngành nuôi tôm, theo ông Quang, Minh Phú nhiều năm tìm lời giải như mua, thuê đất để nuôi tôm nhưng không được.

Sau nhiều năm trăn trở, Minh Phú đi đến thành lập công ty cổ phần xã hội, được ông Quang đánh giá là một mô hình "có thể thực hiện tốt nhất". Theo đó, tất cả người dân sẽ góp đất để nuôi tôm, bán sản phẩm trên chính mảnh đất của họ. Như vậy một hộ nuôi tôm coi như một ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn, qua đó vấn đề truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế trở nên rất đơn giản.

Tuy nhiên, sau khi thành lập doanh nghiệp xã hội thì lại vướng bởi Luật Chứng khoán. Ông Quang giải thích, các công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỉ đồng thì phải hoạt động theo Luật Chứng khoán và Ủy Ban chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Trong khi đó, doanh nghiệp xã hôi không bắt buộc người dân đóng cổ phần mà họ tự nguyện, khi doanh nghiệp làm ăn tốt người dân sẵn sàng tham gia, khi không tốt người dân rời đi. Như vậy, nếu điều chỉnh bằng Luật chứng khoán thì "mỗi lần doanh nghiệp vào, ra" lại chờ trình, xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt, nhanh nhất 5 - 6 tháng, thậm chí đến một năm, ông Quang nêu thực trạng.

Vì vậy, ông Quang kiến nghị Chính phủ rằng các doanh nghiệp xã hội trong chuỗi liên kết tôm không chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, không chịu sự kiểm soát của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.

Được biết, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) chính thức hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ 70 triệu cổ phiếu MPC trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) kể từ ngày 31/3/2015.

Khi đó, đại diện Minh Phú cho biết là thị trường chứng khoán thời gian đó đã không phản ánh hết giá trị thực của cổ phiếu MPC. Điều này gây khó khăn cho Công ty khi muốn phát hành cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Thị trường thời điểm đó rộ lên tin đồn "ông lớn" ngành thực phẩm Thái Lan CP Foods ngỏ ý muốn mua cổ phần của Minh Phú. Hai bên đã thống nhất mức giá cao hơn giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu MPC lúc bấy giờ. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú cho rằng, khi mua cổ phiếu với giá cao hơn thị giá, ngay lập tức đối tác ngoại sẽ buộc phải ghi nhận ngay một khoản lỗ, vì vậy rất khó "ăn nói" với cổ đông của họ. Hủy niêm yết là lựa chọn của Minh Phú giúp công ty có thể phát hành thêm dễ dàng hơn.

Đến ngày 16/10/2017, hơn 70 triệu cổ phiếu MPC chính thức giao dịch trên sàn UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 700 tỉ đồng.

Gần đây nhất vào cuối tháng 2 vừa qua, "vua tôm" Minh Phú cho hay đang tìm kiếm nhà đầu tư mua bằng việc phát hành gần 76 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mitsui có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản.

Chủ tịch Minh Phú, ông Lê Văn Quang, cho biết hiện Công ty rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược và sẽ cố gắng chốt lại trước ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông. Ông Quang tiết lộ, giá trị thương vụ này được định khoảng 230 - 250 triệu USD.

Nếu nhà đầu tư chỉ mua dưới 35% thì mức giá Minh Phú đưa ra tương đương với giá thị trường. Tuy nhiên để nắm 51%, mức giá đưa ra phải cao hơn 20% trị trường thì công ty mới bán.

Giữ tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ và tài liệu bổ sung của Minh Phú và yêu cầu trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, Minh Phú phải báo cáo kết quả kèm theo xác nhận về số tiền thu được cho UBCKNN.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, Minh Phú xuất khẩu được 3.044 tấn sản phẩm, giảm 13% so với cùng kỳ. Giá trị các hợp đồng xuất khẩu trị giá 46,29 triệu USD, tương đương sản lượng 3.780 tấn. Doanh thu xuất khẩu đạt 71,7 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Minh Phú, giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm tăng nhẹ do thiếu nguồn cung còn giá bán ở mức ổn định.

Theo báo cáo phân tích về CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định ngành tôm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa thật sự thuận lợi trong năm 2019, nhưng sẽ không có biến động quá xấu.

BVSC dự báo doanh thu 2019 của Minh Phú đạt 18.491 tỉ đồng, tăng 9,25% so với thực hiện 2018. Lãi sau thuế 1.005 tỉ đồng, tăng 22% tương đương EPS 6.609 đồng, chưa tính số lượng cổ phiếu phát hành thêm cho các cổ đông chiến lược.

Đức Quỳnh