|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép sa sút: Người giảm lãi, người thêm lỗ

17:55 | 05/11/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành thép chững lại và gặp khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, các đại gia trong ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Pomina, Nam Kim đều công bố kết quả kinh doanh đi xuống, thậm chí thua lỗ.
thep

Bức tranh kết quả kinh doanh u ám của doanh nghiệp ngành thép. Ảnh minh họa: Đức Việt.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp sản xuất tổng cộng gần 18,84 triệu tấn thép, tăng 6,7% so với cùng kì 2018. Sản lượng bán hàng đạt 17,31 triệu tấn, tăng 8,5%; trong đó xuất khẩu thép là gần 3,55 triệu tấn, tăng 2,9%.

Tuy vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể so với một năm trước đó. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, khối lượng sản xuất tăng 14,4% so với cùng kì 2017, sản lượng bán hàng tăng trưởng 23,4%, trong đó xuất khẩu tăng 31,5%.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành thép phần nhiều đến từ sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản. 

Giá các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá quặng sắt, biến động rất mạnh cũng là một nhân tố tiêu cực khác ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Theo KBSV, có lúc giá quặng 62%Fe đã lên đến 120 USD/tấn, tăng 66% so với thời điểm đầu năm. Các nguyên nhân bao gồm:

Thứ nhất, ảnh hưởng từ vụ vỡ đập ở Brazil của nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới Vale. Thứ hai, trận lốc xoáy ở Veronica, Australia làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất quặng của quốc gia này; và thứ ba, nhu cầu quặng sắt tăng đến từ các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc.

Đến tháng 8 năm nay, giá quặng sắt đã giảm về mức 90 USD/tấn sau khi hoạt động khai thác quặng ở Brazil và Australia đã khôi phục được một phần. Tuy nhiên, dự báo giá quặng sắt vẫn sẽ ở mức cao 90-95 USD/tấn trong thời gian tới do hoạt động khai thác quặng ở Brazil chưa thể khôi phục hoàn toàn trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh ngành thép khó khăn, các doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống rõ rệt.

thep 9 thang

Lợi nhuận của Hòa Phát bỏ xa các doanh nghiệp khác cùng ngành thép, tuy nhiên kết quả của đại gia này cũng sụt giảm so với cùng kì năm trước. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ FiinPro.

Hòa Phát lường trước những khó khăn

Trong quí III vừa qua, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần 15.087 tỉ đồng, tăng trưởng 6,3% so với cùng kì năm ngoái, lãi sau thuế 1.794 tỉ đồng, giảm 25,5%.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 45.683 tỉ đồng, tăng trưởng 10%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 5.655 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm nay cũng giảm còn 12,4% từ mức 16,5% cùng kì.

Biến động của doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong ba quí đầu năm nhìn chung khá sát với kế hoạch cả năm nay mà công ty đề ra từ đầu năm.

Cụ thể, Đại hội cổ đông ngày 29/3 năm nay của Hòa Phát đã thông qua mục tiêu doanh thu 70.000 tỉ đồng, tăng 23,7% so với thực hiện năm 2018; mục tiêu lãi sau thuế 6.700 tỉ đồng, giảm 22%. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 84,4% kế hoạch lợi nhuận.

Trong quí IV, Hòa Phát chỉ cần 1.045 tỉ đồng lãi sau thuế nữa là hoàn thành kế hoạch năm. Trong quí IV các năm 2016, 2017 và 2018, tập đoàn đều đạt lãi sau thuế trên 1.700 tỉ đồng.

Về sản lượng, lũy kế 9 tháng Hòa Phát đã cho ra thị trường gần 2 triệu tấn thép, tăng hơn 16% so với cùng kì năm trước. Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu Việt Nam với 25%.

Sản lượng bán hàng khu vực miền Nam đạt gần gấp đôi cùng kì năm trước với 280.000 tấn. Tiếp đó là khu vực miền Trung với gần 300.000 tấn, tăng 53% so với 9 tháng 2018.

HPB BĐS self (1)

Ngoài sản suất thép, Hòa Phát còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản. Ảnh: Song Ngọc.

Tổng lượng xuất khẩu từ đầu năm đến cuối tháng 10 đã đạt 191.600 tấn, tăng trên 32%, chiếm gần 10% tổng sản lượng bán hàng. 

Mảng bán bất động sản mang về 153,4 tỉ đồng doanh thu cho Hòa Phát trong quí III, chiếm 1%. Doanh thu từ cho thuê bất động sản và cung cấp dịch vụ đều chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu chung.

Trong mảng nông nghiệp, sản lượng cung cấp thịt bò Úc, trứng gà sạch, thịt heo an toàn sinh học của Hòa Phát đóng góp doanh thu ngày càng lớn cho tập đoàn, đứng vị trí thứ hai trong quí III vừa qua với 12% tổng doanh thu. Sản lượng trứng gà tính đến giữa tháng 9 đạt 450.000 quả/ngày, dẫn đầu các doanh nghiệp miền Bắc.

Trong một diễn biến khác, theo tin từ báo Tuổi trẻ, trưa ngày 2/11 vừa qua, người dân xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) kéo đến trước cổng Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ nằm trên địa bàn để phản đối, đòi lãnh đạo công ty giải quyết ô nhiễm môi trường.

Gần 2 năm nay khi trại gà của Hòa Phát về Đồng Lương hoạt động, đời sống của người dân bị đảo lộn vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, dân phải sống trong cảnh ruồi muỗi, nhiều người mắc bệnh.

Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đã gặp mặt người dân và kí cam kết sau 40 ngày sẽ chuyển hết phân ở các hố đang chôn lộ thiên và xây bể biogas để xử lý mùi hôi, thối.

Tại "siêu dự án" thép của Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi, từ ngày 5/8 đến 15/10, khoảng 30 hộ dân đã 4 lần kéo đến cổng nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất yêu cầu giải quyết tình trạng ô nhiễm cũng như các vấn đề khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Hồ Đức Thọ - Phó Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất nói: "Tôi thay mặt công ty xin lỗi người dân. Chắc chắn việc thi công dự án lớn như thế này sẽ không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân".

Hoa Sen lạc quan thái quá

Doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) trong quí vừa qua đạt 6.350 tỉ đồng, giảm gần 26% so với cùng kì niên độ trước, lợi nhuận sau thuế gần 84 tỉ đồng, trong khi quí IV niên độ trước tập đoàn lỗ ròng gần 102 tỉ đồng (do niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ ngày 1/10 nên quí IV tính từ ngày 1/7 đến 30/9/2019).

Trong niên độ này, Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu thuần 31.500 tỉ đồng, giảm 9% so với thực tế đạt được trong niên độ trước, mục tiêu lợi nhuận sau thuế 500 tỉ đồng, tăng 22%. Từ đầu năm, Hoa Sen đã dự đoán thị trường ngành thép năm 2019 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi. 

Việc các nền kinh tế lớn có xu hướng leo thang xung đột thương mại, bảo hộ sản xuất, phá giá tiền tệ, cộng với những bất ổn đối với tình hình kinh tế chính trị thế giới sẽ tiếp tục là những nguyên nhân làm cho giá thép nguyên liệu biến động khó lường, gây ảnh hưởng đến giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng như hoạt động xuất khẩu.

Theo Hoa Sen, thị trường nội địa cũng sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt do các doanh nghiệp thép chuyển hướng tập trung vào thị trường trong nước.

Tuy đã có những nhận định khá tiêu cực về thị trường thép nhưng kế hoạch mà Hoa Sen đặt ra vẫn quá lạc quan so với thực tế hoạt động.

Lũy kế cả niên độ tài chính 2018-2019, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 28.035 tỉ đồng giảm 18,6% so với niên độ trước – mức giảm cao gấp đôi so với kế hoạch giảm 9%. 

Hoa Sen cho rằng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống phân phối của công ty có thể giúp lợi nhuận tăng trưởng 22% nhưng thực tế, lãi sau thuế của tập đoàn cũng đi xuống 11%, đạt 361,4 tỉ đồng. Tính chung Hoa Sen chỉ thực hiện 89% kế hoạch doanh thu và 72,3% kế hoạch lãi sau thuế.

HSG Hoa sen self (1)-crop

Một chi nhánh của Hoa Sen tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: Kiên Dương.

Tuy không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, chiến dịch tái cấu trúc hệ thống phân phối của Hoa Sen cũng giúp tập đoàn giảm tỉ lệ đòn bẩy, cải thiện cân đối tài chính.

Giá trị vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 là 5.468 tỉ đồng, tương đương 32% tổng tài sản trong khi các con số đầu kì tương ứng là 5.152 tỉ đồng và 24,2%. Có thể thấy, Hoa Sen đã giảm đáng kể đòn bẩy tài chính trong một năm qua.

Giá trị nợ phải trả giảm 27,7% còn 11.637 tỉ đồng vào cuối niên độ. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 38,4% xuống còn 6.706,5 tỉ đồng; tương tự, vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng giảm 13,7% xuống còn 2.986 tỉ đồng. Nhờ vậy mà chi phí tài chính của Hoa Sen quí vừa qua cũng đi xuống rõ rệt

Trong niên độ vừa qua, Hoa Sen đã chấm dứt hoạt động hàng trăm chi nhánh để chuyển đổi mô hình hoạt động thành điểm bán hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh. Hoa Sen khẳng định đây là biện pháp nhằm sắp xếp lại bộ máy, số địa điểm phân phối sản phẩm của Tập đoàn không bị giảm đi trong quá trình này. 

Pomina trong top thua lỗ toàn thị trường chứng khoán

Tuy giảm sút đáng kể nhưng kết quả kinh doanh của Hòa Phát và Hoa Sen vẫn khá hơn rất nhiều so với Pomina.

Quí III vừa qua, CTCP Thép Pomina (Mã: POM) ghi nhận doanh thu thuần 2.966 tỉ đồng, giảm 14,5% so với cùng kì năm trước. Giá vốn hàng bán tăng cao khiến công ty chỉ lãi gộp 9,3 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí khác, Pomina lỗ sau thuế gần 119 tỉ đồng trong quí III dù cùng kì năm ngoái có lãi hơn 27 tỉ đồng.

Trong ba quí đầu năm nay, Pomina đều thua lỗ, trong đó lỗ nhiều nhất là quí III. Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ sau thuế 252 tỉ đồng trong khi cùng kì 2018 còn lãi 401 tỉ đồng. 

Với kết quả này, Pomina nằm trong top 4 công ty thua lỗ nặng nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019. Đứng ở vị trí thứ ba, ngay trên Pomina, là một công ty cùng ngành - Thép Dana Ý (Mã: DNY) với số lỗ gần 263 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của Dana Ý hiện chỉ còn 12,7 tỉ đồng do thua lỗ liên tục 4 quí vừa qua.

POM Pomina

Pomina thua lỗ trong ba quí liên tiếp gần đây. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Theo giải trình của Pomina, công ty thua lỗ trong quí III là do đang triển khai hai dự án, trong đó dự án lò cao sẽ đi vào hoạt động trong quí II/2020 và dự án tôn mới hoạt động trong quí II/2019 nên chi phí lãi vay tăng cao tới 79% so với cùng kì.

Ngoài ra, Pomina còn có một nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng bán hàng giảm và nhà máy đã khắc phục bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10.

Về kết quả thua lỗ trong quí II, công ty cũng đưa ra hai lí do tương tự như trên. Về việc thua lỗ trong quí I, Pomina cho biết nguyên nhân là giá vốn tăng 9,3% so với cùng kì năm trước. Do ảnh hưởng giá nguyên vật liệu giảm từ quí IV/2018 nên giá bán cũng phải giảm theo nhưng tốc độ giảm giá bán nhanh hơn giá nguyên vật liệu tồn kho dẫn đến thua lỗ trong quí I/2019. 

Nam Kim chật vật tìm lợi nhuận

Quí III vừa qua, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) ghi nhận doanh thu thuần 3.068 tỉ đồng, giảm 11,6% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp 101 tỉ đồng, giảm 40%. Lợi nhuận trước thuế quí III đạt 13 tỉ đồng, cao gấp 12 lần cùng kì.

Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 42,4 tỉ đồng nhưng chi phí thuế TNDN hoãn lại âm 35,5 tỉ đồng. Nhờ vậy Nam Kim có lãi sau thuế 6,2 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần quí III năm ngoái.

Theo giải trình của Nam Kim, công ty đã giảm giá trị hàng tồn kho, đồng thời kiểm soát tốt các chi phí bán hàng, chi phí tài chính nên lợi nhuận trước thuế tăng. 

Thực tế, giá trị hàng tồn kho cuối kì của Nam Kim giảm 70 tỉ đồng so với đầu năm, còn 2.350 tỉ đồng. Chi phí bán hàng quí III là 46,6 tỉ đồng, giảm 39,4% so với cùng kì. Chi phí tài chính 65 tỉ đồng, giảm 44%.

Trong 4 quí gần đây, Nam Kim có hai quí lãi và hai quí lỗ. Quí lãi lớn nhất là quí II năm nay với giá trị gần 136 tỉ đồng. Quí lỗ nặng nhất là quí IV/2018 với hơn 173 tỉ đồng, đó cũng là quí thua lỗ đầu tiên của công ty kể từ năm 2012.

Nam Kim NKG

Kết quả kinh doanh hàng quí của Nam Kim. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Trong quí III, Nam Kim cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2.

Nhà máy này nằm tại Thị xã Thuận An - Bình Dương, được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với công suất 50.000 tấn/năm gồm dây chuyền mạ kẽm, mạ màu công suất thấp. 

Các dây chuyền này đã ngừng sản xuất từ quí IV/2018 do Nam Kim đã chuyển sản xuất các mặt hàng nói trên sang Nhà máy Nam Kim 3 tại Đồng An, Bình Dương).

Đồng thời trong quí II/2019 Nam Kim đưa thêm một dây chuyền mạ kẽm công suất 350.000 tấn/năm tại Nhà máy Nam Kim 3 vào hoạt động nên công ty khẳng định vẫn đảm bảo tăng trưởng sản lượng trong năm 2019.

Tháng 5 năm nay, Nam Kim thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (91,45 tỉ đồng) tại Công ty TNHH Một thành viên Nam Kim Corea cho công ty Chinasia Textile Limited có trụ sở tại Hong Kong.

Đại hội cổ đông ngày 29/6 cũng thông qua việc chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 326.851 m2.

Kiên Dương, Song Ngọc