|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Pomina: Đã bao lâu rồi các đại gia thép không chia cổ tức tiền mặt?

05:47 | 24/09/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp ngành thép có qui mô và tình hình kinh doanh rất khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đã vài năm rồi không trả cổ tức bằng tiền mặt, chỉ trả bằng cổ phiếu. Năm 2019 được dự báo sẽ rất khó khăn với ngành thép và do vậy, nhà đầu tư cũng không nên hi vọng sẽ sớm nhận được "tiền tươi".

Hòa Phát: Bận rộn với "đại dự án tỉ đô"

Từ khoảng tháng 2/2017 đến nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tập trung nguồn lực vào Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng. Về sau, con số được nâng lên thành 65.000 tỉ đồng (3 tỉ USD).

Mỗi quí Hòa Phát có lợi nhuận sau thuế hàng nghìn tỉ đồng nhưng vì phải dồn tiền cho "đại dự án" Dung Quất nên liên tục trong ba năm tài khóa 2016, 2017 và 2018, Hòa Phát không trả cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm.

hpg kqkd

Kết quả kinh doanh hàng quí của Hòa Phát. Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Theo phương án được Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 năm nay thông qua, tỉ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2019 là 20%, không nêu rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long từng cho biết công ty đang tập trung nguồn vốn để đầu tư cho dự án Dung Quất nên trong tương lai gần không có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ. 

Vì vậy, nhiều khả năng năm 2019 cổ đông Hòa Phát sẽ nhận cổ tức tỉ lệ 20% hoàn toàn bằng cổ phiếu.  

Ngoài ra, trong bối cảnh ngành thép khó khăn, kết quả kinh doanh của Hòa Phát cũng có dấu hiệu đi xuống. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quí II vừa qua đạt 2.050 tỉ đồng, giảm gần 7% so với quí II/2018. 

Nói về kết quả kinh doanh trên, Chủ tịch Trần Đình Long coi đây là những con số "khá tốt" trong bối cảnh "Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kì năm trước".

"6 tháng cuối năm có thể vẫn khó khăn do thị trường bất động sản đang chậm lại", ông Long nói thêm.

Hoa Sen: Miệt mài tái cơ cấu

Nếu như Hòa Phát có đại dự án Dung Quất với tổng vốn đầu tư 3 tỉ USD thì CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) "suýt nữa" có siêu dự án Cà Ná với số vốn ước tính thậm chí cao gấp hơn ba lần.

Đại hội cổ đông bất thường của Hoa Sen ngày 6/9/2016 thông qua qua chủ trương đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn một năm.

Tổng vốn đầu tư dự án ước tính 10,6 tỉ USD. Trong bối cảnh thị trường thép khi đó đang diễn biến thuận lợi, công ty ăn nên làm ra, Chủ tịch Lê Phước Vũ nói chắc chắn: "Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư?"

Tuy nhiên đến tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận của Hoa Sen để nghiên cứu thêm vì "Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm". Từ đó đến nay, đại dự án Hoa Sen Cà Ná chỉ nằm trên giấy.

Tuy không phải dồn tiền cho đầu tư xây dựng cơ bản nhưng Hoa Sen cũng thường xuyên trong cảnh túng quẫn khi nợ nần chồng chất, chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận. Lãi sau thuế liên tục sụt giảm. Trong quí III/2018 (tức quí IV niên độ 2017-2018 của công ty) Hoa Sen thậm chí còn lỗ ròng 102 tỉ đồng.

HSG

Kết quả kinh doanh và chi phí lãi vay của Hoa Sen. Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Kết quả kinh doanh sa sút nên không quá ngạc nhiên khi Hoa Sen đã hai năm nay không trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, mỗi lần 10%.

Trong nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh, Hoa Sen tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống phân phối thông qua việc chuyển đổi hàng trăm chi nhánh thành cửa hàng cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh.

Cũng trong kế hoạch tái cấu trúc này, Hoa Sen còn đóng cửa một công ty con trong lĩnh vực vận tải và góp vốn thành lập một công ty cảng quốc tế.

Những nỗ lực tái cấu trúc của Hoa Sen phần nào đã mang lại hiệu quả. Trong quí III của niên độ tài chính 2018-2019, Hoa Sen đạt lợi nhuận trước thuế 216 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỉ đồng, tăng 94%.

Trên bảng cân đối kế toán của Hoa Sen, hàng tồn kho và phải thu cùng giảm mạnh giúp cho lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chuyển từ âm 1.720 tỉ đồng trong 9 tháng đầu niên độ trước sang dương 3.574 tỉ đồng trong 9 tháng đầu đầu niên độ này.

Nam Kim: Thua lỗ, bán con

Trong khi Hoa Sen chỉ lỗ một quí thì CTCP Thép Nam Kim lại có hai quí lỗ liên tiếp là quí IV/2018 (lỗ 173 tỉ đồng) và quí I/2019 (lỗ 102 tỉ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Nam Kim có lãi gộp 111 tỉ đồng nhưng riêng chi phí lãi vay đã lên tới gần 115 tỉ đồng dẫn tới lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 110 tỉ đồng. Nhờ có khoản lợi nhuận bất thường từ thanh lí, nhượng bán tài sản cố định mà Nam Kim mới có lãi sau thuế 34 tỉ đồng, giảm 85% so với cùng kì 2018.

Nói về sự sa sút trong mấy quí liên tiếp, công ty luôn chỉ giải trình ngắn gọn: "Giá nguyên vật liệu biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh".

NKG

Kết quả kinh doanh đi xuống của Nam Kim. Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt.

Lần gần đây nhất Nam Kim trả cổ tức bằng tiền mặt là năm 2017 với tỉ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Sau đó Nam Kim trả cổ tức đợt 2/2017 với tỉ lệ 40% bằng cổ phiếu.

Năm 2018, Nam Kim hoàn toàn không trả cổ tức vì kết quả kinh doanh đi xuống, lợi nhuận sau thuế thực tế chỉ bằng 7,6% kế hoạch đề ra. Năm 2019, Nam Kim đặt mục tiêu lãi sau thuế 295 tỉ đồng, nhưng sau 6 tháng công ty mới thực hiện được 11,5% và kết quả đó đạt được cũng là nhờ thu nhập bất thường, không phải hoạt động kinh doanh chính.

Đại hội cổ đông ngày 29/6 năm nay ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét quyết định phương thức và tỉ lệ chi trả cổ tức cụ thể. Với tình hình hoạt động như 6 tháng nửa đầu năm, Nam Kim khó có thể quay lại trả cổ tức tiền mặt.

Công ty còn đang có kế hoạch chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài, giá trị theo mệnh giá là 300 tỉ đồng. Tuy nhiên giá cổ phiếu NKG hiện nay chỉ 5.760 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Nam Kim hiện đang chịu áp lực phải tiếp tục cắt giảm các khoản vay ngắn hạn và dài hạn vì tính chất rủi ro của việc sử dụng đòn bẫy tài chính.

Điều đó có nghĩa là công ty phải giảm qui mô kinh doanh. Trên thực tế, Nam Kim đã phải bán một nhà máy (Nam Kim 1) và thoái vốn góp tại một số dự án (Nam Kim Corea, Nam Kim 6).

Trong vài tháng qua, công ty của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang cũng đã bán hết gần 25,86 triệu cổ phiếu NKG trong hai đợt, một đợt 6,86 triệu đơn vị và một đợt 19 triệu đơn vị. 

Riêng với giao dịch bán 19 triệu cp, công ty "quên" công bố thông tin trước giao dịch và bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt 90 triệu đồng.

Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, Nam Kim đã phải bán dần nhà máy và công ty con. Cuối tháng 5 năm nay, Nam Kim thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (91,45 tỉ đồng) tại Công ty TNHH Một thành viên Nam Kim Corea cho công ty Chinasia Textile Limited có trụ sở tại Hong Kong.

Cuối tháng 8 vừa qua, Nam Kim cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2. Nhà máy này được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với công suất 50.000 tấn/năm. Các dây chuyền này đã ngừng sản xuất từ quí IV/2018 do Nam Kim đã chuyển sản xuất sang Nhà máy Nam Kim 3.

Đại hội cổ đông ngày 29/6 cũng thông qua việc chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 326.851 m2.

Pomina: 7 năm liền không chia tiền mặt

Trong hoàn cảnh khó khăn không kém gì Nam Kim là CTCP Thép Pomina (Mã: POM). Doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6.184 tỉ đồng, giảm 6,8% so với cùng kì năm ngoái, lỗ sau thuế hơn 132 tỉ đồng. Trong đó quí I Pomina lỗ 83,7 tỉ đồng và quí II lỗ 49,4 tỉ đồng.

Lần gần đây nhất Pomina trả cổ tức tiền mặt là năm 2011 với tỉ lệ 15%, tức mỗi cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Năm 2018, công ty phát hành gần 56 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 với tỉ lệ 30%. Sắp tới, Pomina dự kiến phát hành hơn 36,3 triệu cổ phiếu POM để trả cổ tức năm 2018 tỉ lệ 15%. Năm 2019, công ty tiếp tục đặt kế hoạch cổ tức tỉ lệ 15%.

Một năm 2019 khó khăn

Theo phân tích của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), sau một thời gian dài hưng thịnh và tăng trưởng mạnh mẽ, giờ đây các nhà sản xuất thép trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức vì hoạt động đầu tư lớn đã khiến nguồn cung dư thừa.

thep

Tổng khối lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam chững lại trong những năm gần đây. Nguồn: Hiệp hội Thép Thế giới.

Theo số liệu của Hiệp hội thép Thế giới, tiêu thụ sản phẩm thép tại Việt Nam những năm gần đây có dấu hiệu chững lại sau thời gian tăng trưởng nhanh.

Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào, bao gồm quặng sắt và than cốc cũng liên tục biến động giá và ở mức cao. Giá của hầu hết các loại sản phẩm thép lại bắt đầu giảm và ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trong nước.

Theo ACB, một lí do khác dẫn đến sự khó khăn của ngành thép là thị trường xuất khẩu diến biến xấu.

Hiện tại, khoảng 40% thép cuộn đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trong năm 2018 khi các thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam bao gồm Mỹ, Thái Lan và Malaysia đã áp dụng các biện pháp rào cản thương mại như thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Do đó, xuất khẩu thép cuộn của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, gây áp lực lớn đối với các nhà sản xuất nội địa. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của ngành thép và xuất khẩu thép trong năm 2018 lần lượt là chỉ còn 9% và 9,6%, đạt khoảng một phần ba mức 28% và 26% trong năm 2017.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng ngành thép sẽ tiếp tục gặp một số thách thức và khó khăn khi xu hướng bảo hộ vẫn đang gia tăng trong năm 2019, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không kết thúc sớm và giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục không ổn định.

Bộ Phận phân tích của Ngân hàng ACB lấy dẫn chứng: Thép Việt Nam liên tục bị điều tra và áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại như Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới gần 200%, chưa kể còn các loại thuế khác lên tới 250%. Canada đánh thuế chống bán phá giá gần 100% và các loại thuế khác 6,5%.

EU lại áp mức thuế 25% đối với thép từ Việt Nam khi khối lượng nhập khẩu vượt quá 3% hạn ngạch. Thép xuất khẩu sang thị trường Thái Lan cũng chịu thuế chống bán phá giá lên tới 310%. Thép chống ăn mòn (CORE) đã bị áp thuế chống bán phá giá gần 200% khi xuất khẩu sang Mỹ. 

Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong 7 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu hơn 4,7 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 9,7% về lượng so với cùng kì năm 2018. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,12 tỉ USD, giảm 2,2%.

Trong đó, giá trị xuất khẩu một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam lại giảm như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu giảm 17,3%, ống thép giảm 15,4%.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.