|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá thành thấp hơn đối thủ, vì sao thép Hòa Phát chưa chiếm lĩnh thị trường phía Nam?

13:04 | 15/09/2019
Chia sẻ
Nhà máy thép của Hòa Phát sử dụng công nghệ lò cao BOF cho ra sản phẩm có giá thành thấp hơn các đối thủ trong nước. Tuy nhiên đến nay tập đoàn chủ yếu hoạt động ở thị trường phía Bắc chứ chưa chiếm lĩnh được ở phía Nam. Tình trạng này có thể sẽ được thay đổi đáng kể khi dự án Dung Quất hoàn thành.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam tính chung 7 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang dẫn đầu về thị phần tiêu thụ thép xây dựng với 25,2%. Đứng thứ hai là VNSteel với 15,9% thị phần, tiếp đến là Vinakyoei và Pomina với lần lượt 8,7% và 8,2% thị phần.

Cả năm 2018, top 5 thị phần về sản xuất thép xây dựng (thép dài) có Hòa Phát với 23,8%, VNSteel 17,2%, Pomina 9,8%, Possco SS Vina 9,11% và Vinakyoei 8,3%.

Về thép ống, Hòa Phát cũng vững vàng ở ngôi đầu với hơn 30% thị phần, sản lượng bán hàng đạt 433.700 tấn trong 7 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kì năm 2018. 

thi phan thep 7 thang

Thị phần tiêu thụ thép dài (thép xây dựng) 7 tháng đầu năm. Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam (VSA)

Tuy nhiên sản phẩm của Hòa Phát mới chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, thể hiện qua cơ cấu doanh thu theo vùng miền.

Năm 2018, miền Bắc đóng góp gần 70% doanh thu cho Hòa Phát. Khu vực miền Trung và miền Nam chỉ đóng góp lần lượt 11% và 10%, thị trường xuất khẩu góp khoảng 10% còn lại.

co cau doanh thu hoa phat

Miền Bắc đóng góp phần lớn doanh thu cho Hòa Phát trong năm 2018. Nguồn: Chứng khoán KBSV.

Trong khi ở miền Bắc, Hòa Phát chiếm lĩnh tới 34% thì ở miền Nam, đại gia thép này chỉ sở hữu 9%. 

Những tay chơi lớn thực sự làm chủ thị trường miền Nam chính là những cái tên đứng sau Hòa Phát trên bảng thị phần cả nước: Vina Kyoei, Pomina, VNSteel và Posco SS Vina.

thi phan mien nam

Thị phần tiêu thụ thép xây dựng miền Nam 2018. Nguồn: KBSV.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thép Hòa Phát có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một nhà sản xuất thép tầm trung của Trung Quốc.

Đây là lợi thế cạnh tranh lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cơ bản. Nguyên nhân Hòa Phát có được lợi thế này là:

Thứ nhất, Hòa Phát sản xuất bằng công nghệ lò cao BOF, với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện.

"Hiện tại, ở Việt Nam, để sản xuất thép xây dựng, chỉ có Hòa Phát và Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sử dụng công nghệ lò cao. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền, máy móc của Tisco đã quá cũ và lạc hậu vì thế hiệu quả hoạt động của Tisco không tốt bằng Hòa Phát", KBSV nhận định.

Thứ hai, Hòa Phát có lợi thế qui mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác, từ đó giúp tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỉ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm.

gia thep

Giá thép xây dựng của một số nhà sản xuất thép ở phía Nam từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2019, sản phẩm của Hòa Phát có giá thấp hơn đáng kể. Nguồn: KBSV.

Theo tính toán của KBSV, Hòa Phát còn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép nhập từ Trung Quốc.

Cụ thể, hiện tại, giá thành sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát tại Khu liên hiệp Hải Dương khoảng 10,824 triệu VND/tấn thép và của Khu liên hiệp Dung Quất, với đơn giá nguyên liệu đầu vào hiện tại, khi chạy hết công suất sẽ là 10,545 triệu VND/tấn thép. 

Trong khi đó, giá thành sản xuất thép xây dựng bình quân của thép Trung Quốc 8 tháng gần đây khoảng 12,138 triệu VND/tấn thép. 

Như vậy, giá thành thép xây dựng hiện tại của Hòa Phát đang thấp hơn giá thành thép Trung Quốc khoảng 12% và khi dự án Dung Quất chạy hết công suất thì giá thành còn có thể hạ xuống mức thấp hơn của Trung Quốc là 15%. 

Tương tự, giá thành sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của dự án Dung Quất khi chạy hết công suất sẽ ở mức 10,745 triệu đồng/tấn trong khi giá thành sản xuất HRC của Trung Quốc trung bình trong 8 tháng gần đây khoảng 12,310 triệu đồng/tấn. 

Như vậy, nhiều khả năng HRC của Dung Quất sẽ đủ sức cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

gia thep mien bac

Giá thép xây dựng D10 của một số nhà sản xuất thép ở phía Bắc, thép Hòa Phát có giá rẻ hơn. Nguồn: KBSV.

Tuy giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn so với các đối thủ nhưng do các nhà máy của Hòa Phát chủ yếu nằm ở phía Bắc, không gần cảng biển nên việc vận chuyển vào thị trường miền Nam rất khó khăn và tốn kém.

"Theo phản ánh của một số nhà phân phối thép phía Nam, nguồn cung thép Hòa Phát nhiều khi bị gián đoạn, họ không có hàng để tiêu thụ", KBSV cho biết.

Cụ thể, các nhà máy thép lớn nhất của Hòa Phát hiện nay là Khu liên hiệp gang thép Hưng Yên (400.000 tấn/năm), Khu liên hiệp gang thép Hải Dương (2 triệu tấn/năm) Nhà máy ống thép Hưng Yên (250.000 tấn/năm) đều nằm ở phía Bắc.

Ở khu vực miền Nam, Hòa Phát hiện có hai nhà máy ống thép tại Đà Nẵng và Bình Dương với tổng công suất chỉ 400.000 tấn.

Nhà máy

Sản phẩm

Công suất

Công nghệ

Tình trạng

Khu liên hiệp gang thép Hưng Yên

Thép xây dựng

400.000 tấn/năm

EAF

Đang phải di dời nhà máy về KCN Phố Nối A nhằm tối ưu quy trình luyện - đúc phôi - cán thép liên hoàn. Dự kiến đến tháng 9/2019 sẽ hoàn thành

Khu liên hiệp gang thép Hải Dương

Thép xây dựng

2.000.000 tấn/năm

BOF

Đang chạy hết công suất

Khu liên hiệp gang thép Dung Quất Hòa Phát

Thép xây dựng

2.000.000 tấn/năm

BOF

Đã hoàn thành nhà máy cán thép số 1 - giai đoạn 1  công suất 600.000 tấn/năm, lò cao số 1 - giai đoạn 1 cũng đã bắt đầu chạy thử nghiệm. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành nhà máy cán thép số 2 - giai đoạn 1 với công suất 1,2 triệu tấn/năm.

HRC

2.000.000 tấn/năm

BOF

Nhà máy ống thép Hưng Yên

Ống thép

250.000 tấn/năm

Đang chạy hết công suất

Nhà máy ống thép Đà Nẵng

Ống thép

200.000 tấn/năm

Đang chạy hết công suất

Nhà máy ống thép Bình Dương

Ống thép

200.000 tấn/năm

Đang chạy hết công suất

Nhà máy tôn mạ Hưng Yên

Tôn mạ

400.000 tấn/năm

Đang chạy thử nghiệm, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào chạy chính thức

(Nguồn: KBSV Tổng hợp)

Hiện nay Hòa Phát đang gấp rút xây dựng hoàn thiện Khu liên hiệp gang thép Dung Quất Hòa Phát với tổng công suất 4 triệu tấn thép/năm trong đó có 2 triệu tấn thép xây dựng và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). 

Khi đại dự án Dung Quất này hoàn thành, Hòa Phát sẽ có nhiều lợi thế trong mở rộng thị trường.

Theo KBSV, vị trí địa lí của nhà máy rất thuận lợi khi nằm ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến. Đặc điểm này giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu.

Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng được tiết giảm ở khâu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từng chia sẻ: Tại Dung Quất, tập đoàn không chỉ làm nhà máy thép mà còn phải làm nhiều công trình phụ trợ để phục vụ hoạt động sản xuất thép như xây dựng nhà máy phát điện nhiệt dư, nạo vét lòng biển để tăng độ sâu cho phép tàu trọng tải lớn ra vào, …

Nói về chiến lược kinh doanh của công ty, ông Long khẳng định Hòa Phát coi thị phần là mục tiêu quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp giành được thị phần thì lợi nhuận là hệ quả tất yếu.

Với dự án nhà máy thép Dung Quất, thị phần của Hòa Phát ở khu vực phía Nam sẽ có cơ hội được mở rộng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.