Hòa Phát nhận ưu đãi thuế vài trăm tỉ đồng mỗi năm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên (đã soát xét) công bố mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đạt doanh thu thuần 30.596 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.860 tỉ đồng và hưởng ưu đãi thuế 166 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Con số ưu đãi này chưa bằng một nửa so với ưu đãi thuế các năm 2016, 2017 hoặc 2018 mà Hòa Phát nhận được.
Ưu đãi thuế cho các công ty con của Hòa Phát qua các năm. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Cụ thể, năm 2018 Hòa Phát được ưu đãi thuế 601 tỉ đồng, tương đương 7% lợi nhuận sau thuế cùng năm (8.601 tỉ đồng).
Năm 2017, tập đoàn nhận ưu đãi thuế 543 tỉ đồng, bằng 6,8% lợi nhuận sau thuế (8.015 tỉ đồng). Năm 2016, các con số lần lượt là 415 tỉ đồng và 6,3%.
Theo qui định tại Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, kể từ ngày 1/1/2016 Hòa Phát thuộc nhóm doanh nghiệp chịu thuế suất thu nhập doanh nghiệp tỉ lệ 20%.
Điều 19 và 20 của thông tư này cũng nêu ra một số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế cụ thể là:
Thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, ....
Ưu đãi thuế cho dự án tỉ đô tại Khu kinh tế Dung Quất
Hòa Phát hiện đang đầu tư xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ban quản lí khu kinh tế này đã đề nghị Hòa Phát được hưởng cơ chế ưu đãi riêng là thuế suất TNDN 10% trong 30 năm, khác với qui định tại Thông tư 78.
Dung Quất được coi là "siêu dự án" của Hòa Phát cũng như của tỉnh Quảng Ngãi vì có suất đầu tư lớn lên tới 3 tỉ USD, thời gian hoạt động 70 năm. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết có giai đoạn ông giành nhiều thời gian ở công trường Dung Quất hơn là ở trụ sở chính của tập đoàn.
Ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư ước tính 52.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định là 40.000 tỉ đồng , vốn lưu động 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 năm nay, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết trong quá trình đầu tư, chi cho tài cố định được điều chỉnh tăng 10.000 tỉ đồng, chi cho vốn lưu động tăng 3.000 tỉ đồng, tức tổng cộng tăng lên thành 65.000 tỉ đồng.
Trong số này, vốn tự có của Tập đoàn Hòa Phát khoảng 25.000 tỉ đồng và vốn vay là 40.000 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2019, Hoà Phát đang đầu tư dở dang 42.920 tỉ đồng vào dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I, đến cuối tháng 3, Tập đoàn đã giải ngân khoảng 36.800 tỉ đồng vào Dung Quất. Như vậy trong quí II, Hòa Phát đã đầu tư thêm hơn 6.100 tỉ đồng vào "siêu dự án" này. Trong cả hai quí, số vốn đầu tư thêm là xấp xỉ 9.200 tỉ đồng.
Theo công ty chứng khoán KB Securities, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 75%; nhà máy cán thép số 1 với công suất 600.000 tấn/năm đã đi vào hoạt độngtừ tháng 8/2018; lò cao số 1 đã đang bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm.
Nhà máy cán thép số 2 với công suất 1,2 triệu tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 này. KB Securities kì vọng, toàn bộ giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành vào khoảng giữa năm 2020 và toàn bộ giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2021.
Dự kiến đến cuối năm 2021, công suất thép Hòa Phát sẽ đạt 6,5 triệu tấn, cao gấp gần 3 lần so với thời điểm dự án Dung Quất chưa được triển khai.
KB Securities nhận định, do doanh nghiệp phải sử dụng nợ vay tài trợ cho dự án Dung Quất – Quảng Ngãi nên, vào thời điểm 30/06/2019, nhóm các chỉ số liên quan đến nợ vay như Nợ phải trả/Tổng tài sản và Nợ vay dài hạn/Tổng tài sản đều tăng khá mạnh và đạt mức lần lượt 52,4% và 21,8%, tăng so với mức 48,1% và 16,4% so với thời điểm 31/12/2018.
Hiện tại, Hòa Phát mới chỉ tập trung tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường miền Bắc, khi doanh thu tại thị trường miền Bắc chiếm gần 70% doanh thu từ thép của Hòa Phát. Thị phần của tập đoàn đạt 34%.
Tại thị trường tiêu thụ thép xây dựng phía Nam, năm 2018, thép Hòa Phát chỉ chiếm thị phần khoảng 9%. Các nhà sản xuất thép có thị phần đứng đầu bao gồm Vina Kyoei với thị phần 24%, Pomina, Posco SS Vina, VN Steel lần lượt chiếm thị phần khoảng 20%.
Theo KB Securities, mặc dù giá thép của Hòa Phát luôn thấp hơn hầu hết các nhà sản xuất thép khác, nhưng do khoảng cách vận chuyển từ Bắc vào Nam quá xa và tốn kém nên việc tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn.
Qui mô sản xuất và giá thép xây dựng của một số doanh nghiệp. Nguồn: KB Securities.
Theo phản ánh của một số nhà phân phối thép phía Nam, nguồn cung thép Hòa Phát nhiều khi bị gián đoạn, họ không có hàng để tiêu thụ. Khi nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát ra đời, vấn đề trên nhiều khả năng sẽ được giải quyết.
Vị trí địa lí của nhà máy rất thuận lợi khi nằm ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến. Đặc điểm này giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu.
Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng được tiết giảm ở khâu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc.