|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ quý II

14:33 | 17/07/2023
Chia sẻ
Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đã có 4 quý liên tiếp thua lỗ do bối cảnh khó khăn chung của ngành thép và áp lực từ chi phí lãi vay. Mức lỗ gần 100 tỷ đồng quý II/2023 cũng là mức thấp nhất trong một thập kỉ tính theo quý của công ty.

Báo cáo tài chính mới công bố của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) cho thấy doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.392 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trừ đi giá vốn, Tisco lãi gộp gần 32 tỷ đồng, giảm 85%. Biên lãi gộp thu hẹp từ 3,1% quý cùng kỳ về 0,7% quý này.

Trong khi tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính tới hơn 87 tỷ đồng nên công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 33 tỷ đồng. Với kết quả này, Tisco còn cách rất xa mục tiêu có lãi 39 tỷ đồng trong năm nay. Tính đến cuối tháng 6/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty còn 154 tỷ đồng.

Như vậy tính riêng trong quý II, Tisco ghi nhận doanh thu thuần khoảng 1.946 tỷ, giảm 39%. Công ty lỗ sau thuế 99 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ và là mức thấp nhất trong 10 năm qua tính theo quý.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Giá vón hàng bán cao, cộng với chi phí lãi vay lớn khiến Tisco thua lỗ đậm 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: BCTC quý II/2023 của Tisco).

Trước Tisco, một công ty thép khác là Thép Mê Linh (Mã: MEL) cũng báo cáo tình hình kinh doanh khó khăn với doanh thu thuần 6 tháng đạt gần 310 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 75% so với cùng kỳ. Tình cảnh này diễn ra trong bối cảnh tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó nhu cầu thép thô trong nước 6 tháng ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Tisco hơn 10.617 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ các khoản tương đương tiền (216 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn (682 tỷ đồng), chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng nhưng phải trích lập 347 tỷ đồng dự phòng nợ ngắn hạn khó đòi. Hàng tồn kho tại cuối kỳ gần như không đổi so với đầu năm, với mức 1.753 tỷ.

Đến ngày 30/6, tổng giá trị đầu tư của dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II là 6.438 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.225 tỷ, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm là chi phí lãi vay vốn hóa.

Nói thêm, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đã có tiến triển mới khi phía công ty Tisco với nhà thầu từ Trung Quốc đã trở lại bàn đàm phán sau 7 năm để đưa ra các biện pháp xử lý đối với dự án. Tính đến nay, dự án này đã “nằm đắp chiếu” hơn 15 năm.

Kết thúc đàm phán, hai bên đã ký kết biên bản làm việc, trong đó đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản; đề xuất của nhà thầu Trung Quốc về phương hướng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể,… làm cơ sở để triển khai các bước đi tiếp theo.

Trên cơ sở kết quả đàm phán tại Bắc Kinh, từ ngày 30/3/2023, đoàn chuyên gia của Trung Quốc đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Đến cuối 25/4, đoàn chuyên gia đã gửi Tisco bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với dự án.

Tính đến cuối tháng 6/2023, nợ ngắn hạn của Tisco gần 6.315 tỷ đồng, gấp 2,3 lần tài sản ngắn hạn, tức vốn lưu động âm gần 3.600 tỷ.

Tổng khoản nợ phải trả tại cuối kỳ là 8.785 tỷ, gấp 4,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, công ty đi vay tổng cộng 4.710 tỷ đồng tại ngày 30/6. Ngoài ra, Tisco còn ghi nhận gần 2.400 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn và dài khác.

Minh Hằng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).