Doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng chống chọi có thể phải đóng cửa vì tác động của dịch Covid-19
Doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng chống chọi có thể phải đóng cửa
Tại chương trình Cà phê Doanh nhân chủ đề: Tác động của dịch Covid-19 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức ngày 29/2, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Thành, cho biết tới thời điểm này ngành dịch vụ du lịch đang chịu thiệt hại rất lớn.
Riêng tại hệ thống khách sạn của công ty đã có 95% khách hàng hủy phòng, chỉ những người đi công tác mới đặt phòng, thời điểm này hầu như không có khách du lịch.
Trong hàng triệu lượt khách du dịch quốc tế mà Việt Nam đón hàng năm, số lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 80%. Do đó, khi dịch bệnh ở các quốc gia này diễn biến phức tạp thì lượng khách du lịch giảm mạnh là điều khó tránh khỏi.
"Không chỉ vắng khách du lịch đến từ các quốc gia có dịch, người dân trong nước cũng e ngại đi du lịch nên nhiều công ty dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú rơi vào tình trạng tạm dừng hoạt động vì không có khách hàng", ông Nghĩa chia sẻ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho biết doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95.000 tỉ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kì năm 2019 với mức tăng 10,8%.
Nguyên nhân ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình, đồng thời việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kì năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; TP HCM giảm 5%; Thanh Hóa giảm 2,9%; Bình Định giảm 1,6%.
Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và chỉ tăng 1,1% so với cùng kì năm trước tăng 12,8%.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA nhận định dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Đáng chú ý, khi tình hình dịch bệnh có xu hướng lan rộng sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản... thì khó khăn của doanh nghiệp càng lớn hơn vì đây cũng là những quốc gia nằm trong top những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
“Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không có giải pháp khống chế thì thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn, thậm chí những doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng chống chọi có thể phải đóng cửa”, ông Chu Tiến Dũng cho hay.
Kiến nghị nhiều giải pháp ứng phó cứu doanh nghiệp
Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng thiệt hại của doanh nghiệp là điều đã thấy rõ, vì vậy các cấp, ngành cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thiết thực.
Đơn cử như với ngành du lịch, việc đề xuất mở các đường bay quốc tế mới, hướng tới các khu vực chưa có dịch sẽ không mang lại hiệu quả nếu không gắn liền với việc miễn thị thực cho khách du lịch.
Nếu có đường bay mà khách phải chờ cấp thị thực tới 30 ngày thì không giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay của ngành du lịch, lưu trú. Do đó, cơ quan quản lí cần có sự linh động và phối hợp để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đối với đề xuất hỗ trợ lãi suất ngân hàng và giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính có thể áp dụng biện pháp khấu trừ vào thuế thu nhập của năm 2019 vì đến tháng 3/2020 doanh nghiệp mới quyết toán thuế.
Nguyên nhân là nếu dịch bệnh không được khống chế sớm thì trong kì kinh doanh năm 2020, nhiều doanh nghiệp sẽ thua lỗ chứ không có lợi nhuận để đóng thuế.
Tương tự với hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh khoanh nợ, giảm lãi suất với các khoản đang vay vì hiện nay doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nguyên liệu thì cũng chưa có nhu cầu vay mới.
Ông Chu Tiến Dũng cho biết trước tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng xuống, hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động liên hệ các hiệp hội thành viên để cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh, ghi nhận những khó khăn, báo cáo UBND Thành phố, đồng thời đề xuất các phương án tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thuế, thủ tục xuất nhập khẩu...
Tuy nhiên, ông Chu Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, dịch bệnh là sự cố bất khả kháng, không ai đoán trước được và các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung.
Do đó, để thích ứng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp phải chuyển đổi các yếu tố, nguồn cung cấp đầu vào lệ thuộc Trung Quốc, chuyển đổi đầu ra như về thị trường, tổ chức lại sản xuất.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải hợp tác liên kết để tạo thị trường với nhau, tạo liên kết với nhau và là cơ hội để nối dài chuỗi giá trị. Hiệp hội Doanh nghiệp TP sẽ đi tìm các mô hình hay trong sản xuất để phổ biến, quảng bá cho các mô hình phát triển, giúp các doanh nghiệp phát triển.
Cùng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, chống dịch phải được coi là giải pháp hàng đầu để bảo vệ tăng trưởng và thay đổi cơ cấu. Đồng thời, tái cấu trúc để thoát khỏi phụ thuộc; tận dụng lúc Trung Quốc đang suy yếu để bứt lên, thay thế sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ngoài ra Chính phủ phải tập trung vào chính sách tài khóa, mở rộng đầu tư công; khai thông các ách tắc thể chế. Mặt khác, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giảm, giãn, xóa lãi suất, thuế, nợ và có cách tiếp cận khuyến kích khu vực tư nhân phát triển. Hoặc miễn visa cho du khách đến từ một số thị trường các nước.
Doanh nghiệp cũng cần bình tĩnh xác định lại chiến lược phát triển dài hạn bởi các hỗ trợ từ Nhà nước chỉ mang tính thời điểm và dịch bệnh chỉ là một trong trong những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Theo đó, doanh nghiệp cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất và các nguồn lực có thể khai thác được để tiếp cận các thị trường mới; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
Khi doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với rủi ro thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mới phát huy được hiệu quả, ông Trần Đình Thiên khuyến nghị.