|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành gỗ thay đổi chiến lược để thích ứng sau đại dịch

17:59 | 03/05/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh ngành gỗ cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung nước ngoài.
Doanh nghiệp ngành gỗ thay đổi chiến lược để thích ứng sau đại dịch - Ảnh 1.

Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ thiệt hại khoảng 80% các đơn hàng, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Đại dịch rồi sẽ qua đi và ngành công nghiệp chế biến gỗ sẽ vận hành trở lại, nhưng cách thức vận hành sẽ khác bởi ngành cần có những thay đổi chiến lược. Những sáng kiến, cách làm mới này không chỉ giúp các doanh nghiệp tồn tại mà còn phát triển trong tương lai.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (MIFACO) đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp chỉ có hai sự lựa chọn.

Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ các bước để khi bệnh dịch qua, doanh nghiệp có thể tăng tốc trở lại. Hai là đóng cửa và phá sản. Tất nhiên, chẳng doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị sẵn sàng bứt phá sau dịch.

Bên cạnh những giải pháp mang tính ngắn hạn, đại dịch đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi mang tính chiến lược.

Đó là việc xác định lại chủng loại, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu nhằm phù hợp với xu thế tiêu dùng thế giới, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, tạo chuỗi cung hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi phương thức bán hàng sang hình thức online và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống (offline) sang hình thức bán hàng online cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay.

Theo ông Điền Quang Hiệp, BIFA đang hợp tác với hai công ty thương mại điện tử lớn toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của hiệp hội và kỳ vọng các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online.

Tuy nhiên, các mặt hàng bán qua hình thức online thông thường là các mặt hàng đơn giản, người mua có thể tự lắp ráp nên chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng thu nhập trung bình hoặc thấp. Các sản phẩm phức tạp thường có sự lựa chọn kỹ lưỡng của người mua, vì vậy bán hàng online sẽ còn nhiều trở ngại.

Ông Điền Quang Hiệp cho rằng doanh nghiệp cần bắt đầu từ các sản phẩm đơn giản trước, rồi từng bước đi vào các sản phẩm phức tạp.

Trong tháng Ba vừa qua, BIFA, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số với Tập đoàn FPT. Tập đoàn FPT sẽ tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Không chỉ doanh nghiệp, tại các làng nghề với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình đã bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo, viber, facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu. Sáng kiến thành nhập nhóm và bán hàng qua mạng cũng xuất hiện tại làng nghề Hữu Bằng.

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát, công ty hiện tại hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online qua zalo, viber và sản xuất theo các đơn đặt đặt hàng trên các nhóm này.

Khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu đã khiến một số cơ sở sản xuất phải chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu cho thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả nhập khẩu các mặt hàng gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này ở trong nước.

Một số cơ sở sản xuất, nhất là các làng nghề đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm nhằm lấp chỗ trống.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát cho biết công ty đang nghiên cứu các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em - các mặt hàng trước đó thường nhập khẩu từ Trung Quốc - để chuyển sang tự sản xuất nhằm tạo công việc cho lao động.

Tranh thủ cơ hội khi phải giảm quy mô hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay tổ chức lại sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khâu còn hạn chế để đưa ra phương án cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động.

Trước khi dịch xảy ra, Công ty Minh Phát 2 (MIFACO) hoạt động hết công suất, thậm chí liên tục tăng ca, giai đoạn này công ty tập trung nâng cao tay nghề công nhân, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch.

Xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, trong đó dòng sản phẩm chiến lược là các sản phẩm có nhu cầu lớn, có độ ổn định cao và cầu liên tục mở rộng, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng hiện cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam chưa đúng. Các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu không tăng cao trong tương lai vẫn chiếm ưu thế.

Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cấp các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, do nhu cầu về các sản phẩm này vẫn còn tồn tại, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn.

Doanh nghiệp ngành gỗ thay đổi chiến lược để thích ứng sau đại dịch - Ảnh 2.

Sản xuất bàn ghế xuất khẩu sang châu Âu. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm chiếm 60% kim ngạch, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%. Do đó, cơ cấu sản phẩm gỗ cần thay đổi để tận dụng dư địa lớn này.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng dứt khoát phải cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, ngành vẫn phải dùng từ 25-26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 13 triệu tấn dăm mà chỉ làm ra kim ngạch xuất khẩu từ 1,5-1,6 tỷ USD và chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi lượng nguyên liệu lại chiếm 60%.

Việc đứt gãy các chuỗi cung trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, đặc biệt là việc phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu một lần nữa cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của liên kết để có thể tham gia chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu cũng như thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội cần nỗ lực hơn trong việc hiểu rõ, cũng như kết nối các thành viên, doanh nghiệp trong ngành.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh ngành cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung nước ngoài. Hiện nguyên liệu trong nước đã chủ động được 80%, nhưng trong cơ cấu đồ mộc, tỷ trọng nguyên liệu nhập vẫn còn cao. Để thay đổi được thì cần đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn sản xuất trong nước.

80% phụ liệu vẫn nhập khẩu nhưng nay là điều kiện tốt để phát triển sản xuất trong nước nhờ quy mô sản xuất của ngành ngày càng lớn, nhu cầu cao.

Bích Hồng