Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi khi giá cước tàu chở xăng dầu tiếp tục leo thang?
Giá cước tàu chở dầu dự báo tiếp tục tăng cao
Theo VNDirect Research, khủng hoảng Nga – Ukraine đang tái định hình dòng chảy dầu thô toàn cầu. Dầu thô của Nga đã chuyển hướng đến các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ khi Liên minh Châu Âu (EU) cấm dầu và nhiên liệu của Nga nên nhu cầu đối với cả tàu chở dầu thô và nhiên liệu có thể tăng.
Đối với thị trường vận tải dầu thô, Clarsons Research dự báo, nhu cầu vận tải dầu thô sẽ tăng trong 2 năm tới do việc tái định hình lại các tuyến đường vận chuyển dầu thô. Trong khi đó,nguồn cung tàu chở dầu thô dự kiến sẽ tăng khiêm tốn, tạo điều kiện thuận lợicho giá cước thuê tàu chở dầu thô.
Đối với thị trường vận tải xăng dầu thành phẩm (nhiên liệu), lĩnh vực này có thể có triển vọng tốt hơn do các tuyến đường vận chuyển dài hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Các tuyến đường vận chuyển dài hơn sẽ làm giảm khối lượng nhiên liệu có thể vận chuyển, có khả năng gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường tàu chở xăng dầu thành phẩm.
Trong khi đó, tăng trưởng của đội tàu chở nhiên liệu ở mức tương đối thấp so với nhu cầu đang gia tăng. Đồng nghĩa với việc thu nhập của đội tàu chở xăng dầu thành phẩm sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.
Clarsons Research nhận định, nhu cầu dầu diesel của châu Âu có khả năng tăng trước mùa đông tới nhờ vào tính ứng dụng cao của dầu diesel trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện (để thay thế khi đốt trong phát điện). Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tàu chở xăng dầu thành phẩm, gia tăng tính cạnh tranh lên đội tàu chở nhiên liệu với số lượng vốn
đã có hạn.
VNDirect nhận định, giá cước tàu chở xăng dầu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới với 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nhu cầu đối với tàu chở dầu thô và nhiên liệu tăng lên kể từ khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Thứ hai là lệnh cấm vận của EU sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
“Với việc là nguồn thay thế khả thi cho khí trong sản xuất điện, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tăng tốc trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, việc chuyển hướng của dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến các chuyến đi dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu xăng dầu toàn cầu”, VNDirect phân tích.
Dữ liệu từ Clarksons Research cho thấy, lợi nhuận trung bình của một tàu chở nhiên liệu trong 2 tuần (tính đến ngày 8/8) đã tăng lên 400.000 USD, mức cao nhất kể từ năm 1997. Do đó, giá cước tàu chở dầu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới, mang lại lợi ích cho các đơn vị vận tải dầu khí.
Doanh nghiệp nội địa nào được hưởng lợi?
Đối với ngành vận tải dầu khí tại Việt Nam, doanh nghiệp có mức độ tham gia vào thị trường quốc tế cao như PVTrans (Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí – Mã: PVT) sẽ là đơn vị được hưởng lợi chính từ đà tăng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu. Theo thống kê, PVT đang khai thác 40 tàu chở dầu và nhiên liệu các loại với tổng tải trọng khoảng 1,11 triệu DWT.
Với 80% đội tàu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế và hầu hết được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn nên đơn vị có thể được gia hạn với giá cước cao hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các hãng khác như Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế (Mã: GSP), Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (Mã: PVP), nhóm doanh nghiệp vận hành các tàu chở dầu thô và nhiên liệu trên thị trường quốc tế cũng được hưởng lợi từ việc tăng giá cước tàu.
Trong đó, GSP (công ty con PVT) khai thác 6 tàu chở LPG với tải trọng 18.000 DWT và 2 tàu xăng dầu thành phẩm có tải trọng 40.000 DWT. Còn PVP (công ty con của PVT) cũng sở hữu PVT Appollo, tàu chở dầu thô có tải trọng 105.000 DWT đang hoạt động trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra còn có Vận tải Xăng dầu Vipco (Mã: VIP), Vận tải Xăng dầu Vitaco (Mã: VTO) là 2 thành viên của Tập đoàn Petrolimex đang quản lý đội tàu chở xăng dầu thành phẩm với tổng tải trọng trên 300.000 DWT, chủ yếu vận chuyển nhiên liệu cho công ty mẹ.