|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp muốn trả dự án Thái Nguyên - Chợ Mới cho nhà nước

20:55 | 01/11/2018
Chia sẻ
Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới được đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng song không được thu phí hoàn vốn theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông. 

Nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vừa gửi văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án đầu tư tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn km75-km100 theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Theo hợp đồng, dự án được thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và quốc lộ 3.

Sau gần hai năm hoàn thành dự án, Bộ Giao thông mới cho phép doanh nghiệp thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới vì một số người dân không đồng tình thu phí trên quốc lộ 3. Việc thu phí một tuyến đường khiến phương tiện đi nhiều trên tuyến còn lại, nhà đầu tư thất thu, không bù đắp các chi phí.

doanh nghiep muon tra du an thai nguyen cho moi cho nha nuoc
Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới rất vắng xe. Ảnh: Anh Duy.

Ông Lâm Hoàng Linh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho hay, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì không được thu phí tại hai trạm như hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông. Trong khi chưa đủ doanh thu để hoàn vốn thì doanh nghiệp vẫn phải tổ chức khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho người lao động...

"Ngoài vốn đầu tư dự án, gần hai năm qua, doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng, duy tu bảo trì cho dự án trên 370,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí tại một trạm chỉ được 16 tỷ đồng", ông Linh nói và kiến nghị "nếu sự việc không thể giải quyết, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông mua lại dự án này".

doanh nghiep muon tra du an thai nguyen cho moi cho nha nuoc
Hai trạm thu phí dự kiến theo hơp đồng đã ký song doanh nghiệp mới được thu tại một trạm Thái Nguyên - Chợ Mới.

Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là doanh nghiệp thứ ba có văn bản kiến nghị các cơ quan giải quyết nợ đọng cho dự án.

Trước đó lãnh đạo Công ty CP Đèo Cả đã "dọa" đóng cửa hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả do khó khăn kinh phí vận hành hầm. Tiếp nhận quản lý hầm Hải Vân từ tháng 11/2015, Công ty Đèo Cải đã ứng kinh phí 900 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và hơn 300 tỷ đồng để quản lý vận hành hầm. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được thu phí hoàn vốn.

Cuối tháng 10, chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng kiến nghị Nhà nước hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong 30 năm. Nhà nước cam kết thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 4.060 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13-30 năm). Ngoài ra, Thủ tướng đã cho phép chủ đầu tư sử dụng 4.720 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án cao tốc. Đến nay chủ đầu tư cũng chưa nhận được khoản tiền này.

Xem thêm

Đoàn Loan