|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp FDI đổ xô chọn sàn chứng khoán Việt Nam

14:15 | 24/04/2018
Chia sẻ
Chứng khoán Việt ngày càng hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
doanh nghiep fdi do xo chon san chung khoan viet nam
Nguồn ảnh: Quý Hòa.

Chứng khoán Việt dường như ngày càng hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điển hình như Jollibee Foods Corp (Philippines) có kế hoạch IPO chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee vào năm 2019 và niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2017, công ty chuyên sản xuất dây thừng của Thái lan là Siam Brothers đã niêm yết trên sàn HoSE, thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư.

Sắp tới đây, theo nguồn tin riêng của NCĐT, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận một thành viên mới của khối FDI là Vietnam Fortress Tools, doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm làm vườn đến từ Đài Loan và hiện chiếm thị phần thứ 2 thế giới. Tổng tài sản của Vietnam Fortress Tools tính đến năm 2017 đạt khoảng 1.193 tỉ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu 549 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2017 đạt 63 tỉ đồng, tăng 168% so với năm trước.

Cơ sở sản xuất của Fortress Tools tại Việt Nam bắt đầu kinh doanh khá hiệu quả từ năm 2016 khi nhận được đơn hàng từ các chuỗi bán lẻ nổi tiếng như Walmart, Aldi, Lidl, Home Depot... nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo và giá bán cạnh tranh. Sau khi đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thứ 2 vào năm nay, Fortress Tools dự kiến sẽ đầu tư thêm nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất các dòng sản phẩm ngoại thất sân vườn, dụng cụ thể thao và đồ chơi bằng gỗ để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thu mua hàng trăm triệu USD cho mỗi mặt hàng từ yêu cầu của các chuỗi bán lẻ.

Rõ ràng, các công ty nước ngoài không chỉ chọn Việt Nam là nơi sản xuất kinh doanh mà còn là nơi niêm yết cổ phần. Đây là một tín hiệu lạc quan, bởi lợi nhuận công ty làm ra sẽ được giữ lại trong nước và san sẻ với các cổ đông nội địa. Đồng thời, xu thế gia tăng niêm yết của các doanh nghiệp FDI cũng phản ánh sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong nước so với thị trường khác trong khu vực.

doanh nghiep fdi do xo chon san chung khoan viet nam

Sau một năm tăng trưởng dài hơi, hiện quy mô của thị trường chứng khoán Việt xếp thứ 3, với tỉ trọng 18%, trong rổ chỉ số các thị trường cận biên của MSCI, chỉ đứng sau Argentina và Kuwait. Theo một số nhà phân tích tài chính, hiện Việt Nam gần như đã thỏa mãn các tiêu chí để được nâng cấp lên nhóm các thị trường mới nổi (Emerging markets). Việc nâng hạng chính thức được kỳ vọng sẽ diễn ra khoảng 1-2 năm nữa.

Từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, giúp cho chỉ số VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 1.200 điểm. Tính đến giữa tháng 3.2018, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 485 triệu USD, tương đương khoảng 40% so với con số 1,2 tỉ USD mua ròng của cả năm ngoái mặc dù chỉ số P/E toàn thị trường đang ở mức khá cao, tới 21 lần.

Niềm tin của giới đầu tư đến từ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận làm ra của các doanh nghiệp đang khá sáng sủa. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm nay Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao 7,1% để trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực.

“Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá.

Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, Chính phủ có kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20% hiện nay xuống còn 15-17%. “Với mức thuế suất này, Việt Nam sẽ rất cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Andreas Vogelsanger, CEO của quỹ Asia Frontier Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ có thể quay trở lại Hiệp định TPP (nay đổi tên thành CPTPP) nếu đạt thỏa thuận tốt hơn với các thành viên khác trong khối. Sự có mặt của nền kinh tế số 1 thế giới (nếu đạt được thỏa thuận) sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có thể có cả trường hợp của Vietnam Fortress Tools.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo của Vietnam Fortress Tools kỳ vọng sẽ huy động một lượng vốn lớn sau khi niêm yết, mở rộng. Theo bà Vi Nguyệt Cầm, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Công ty, Fortress Tools có nhu cầu lớn về vốn tại Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm mở rộng đầu tư sản xuất. Việc niêm yết tại thị trường Việt Nam sẽ giúp Fortress tiếp cận nguồn vốn cần thiết, đồng thời nâng cao giá trị doanh nghiệp và thương hiệu tại Việt Nam cũng như thế giới.

Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến rất tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư tại các thị trường phát triển như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu. Quy mô thị trường hiện tại cũng phù hợp với quy mô của Fortress Tools. “Với vốn hóa thị trường công ty ước tính 50-60 triệu USD tại thời điểm hiện tại và có thể gấp đôi trong 3 năm tới, Fortress Tools có thể được lọt vào danh sách cổ phiếu mid-cap tại thị trường Việt Nam, trong khi nếu niêm yết tại các thị trường vốn lớn khác, Fortress Tools có thể chỉ được xếp loại micro-cap, khiến cho cạnh tranh trên thị trường vốn khó khăn hơn”, bà Cầm chia sẻ với NCĐT.

Trong năm 2018, Vietnam Fortress Tools dự kiến sẽ tăng trưởng 151% về doanh thu và 154% về lợi nhuận ròng. Ngoài cổ đông mẹ ở Đài Loan, Công ty cho biết đã thu hút được các cổ đông chiến lược đến từ châu Âu và Thái Lan đầu tư góp vốn.

Sơn Nguyễn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.