Doanh nghiệp 'đuối sức' đường trường chống COVID-19 vì phí thuê mặt bằng kinh doanh
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 1/4/2020, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa.
Việc nóng nhất trong những ngày này đối với đa số các doanh nghiệp là việc thanh toán tiền thuê mặt bằng kinh doanh. Các doanh nghiệp này đều “đau đầu” bởi trong hợp đồng thường không có điều khoản xảy ra dịch bệnh.
Phụ thuộc “lòng tốt” của chủ nhà
Trao đổi riêng với VietTimes, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) – đơn vị đang quản lý hệ thống bán lẻ gần 600 cửa hàng FPT Shop trên toàn quốc – cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, theo chỉ thị từ Chính phủ và chính quyền địa phương, Công ty phải tạm ngưng hoạt động một số cửa hàng FPT Shop. Các hoạt động bán hàng đều chuyển sang hình thức online, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Tiết lộ chi phí thuê mặt bằng kinh doanh là một trong những khoản phí chiếm tỉ trọng lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng tại mỗi điểm bán của FPT Shop, đại diện FPT Retail đã có nhiều biện pháp phối hợp, trao đổi với các chủ cho thuê mặt bằng để cùng chia sẻ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, với nhiều hình thức điện thoại, email, công văn, gặp gỡ, trực tiếp,...
Theo đại diện FPT Retail, do dịch COVID-19 chưa được Chính phủ xác nhận là sự kiện bất khả kháng, nên việc cắt giảm chi phí mặt bằng chủ yếu đến từ sự hỗ trợ, đồng thuận của chủ nhà, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp.
Tuy nhiên, “bên cạnh một số chủ nhà giảm giá, tặng thêm thời gian thuê, trả chậm tiền nhà,... cũng có nhiều chủ nhà, vì các lý do khác nhau chưa sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp lúc này”, đại diện FPT Retail nói.
Làm quản lý nhà hàng đặt tại biệt thự diện tích gần 500m2 tại số 81 phố Quán Thánh (Hà Nội) với hơn 20 nhân viên, chị Trần Mai Hồng cho biết nhà hàng vẫn phải đóng đủ 100% khoản tiền thuê nhà, là 120 triệu đồng/tháng, cho 2 tháng đóng cửa vì dịch COVID-19.
“Bắt đầu đóng cửa vào ngày 9/3, chỉ sau 2 ngày từ khi phát hiện ca COVID-19 thứ 17 tại phường Trúc Bạch gần đó và mới lại vài ngày gần đây, nhà hàng tôi đã mất gần 2 tháng không phát sinh 1 đồng doanh thu nhưng các khoản phí “nặng đô” vẫn không được giảm, đặc biệt là khoản tiền thuê nhà mỗi tháng.
Chủ nhà không thông cảm thì mình cũng đành chịu thôi, chứ chả nhẽ đóng cửa”, chị Mai Hồng cho nói.
Anh Hoàng Anh Thái là chủ một chuỗi 7 cửa hàng kinh doanh café trong khu vực nội thành Hà Nội than trời vì bị chủ nhà của các điểm kinh doanh gây khó khăn.
Những ngày “bão” dịch COVID-19, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập động người, khiến các điểm café trong chuỗi của anh hầu như không có khách và phải đóng cửa từ ngày 27/3/2020.
“Trong bối cảnh dịch bệnh, chính quyền địa phương rất ráo riết yêu cầu các cửa hàng của tôi thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa của UBND TP. Hà Nội và Chính phủ. Điều này khiến các cửa hàng hầu như không có doanh số song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên.
Đặc biệt trong đó, khoản chi phí thuê mặt bằng rất nặng, mỗi cửa hàng đều khoảng 30 – 40 triệu đồng/tháng”, anh Thái bày tỏ.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày đàm phán, thuyết phục, chỉ có 2 chủ nhà cho thuê mặt bằng trên phố Hoàng Cầu và Kim Mã đồng ý giảm 10-15% chi phí thuê nhà. Các chủ nhà còn lại hầu như không thông cảm, vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ đúng hạn nghĩa vụ thanh toán cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch COVID-19.
May mắn hơn các trường hợp trên, cửa hàng Hugo Boss đặt tại TTTM Vincom Bà Triệu (Hà Nội) được đối tác cho thuê mặt bằng hỗ trợ giảm 30% giá thuê theo chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, nhẩm nhanh con số chi phí thuê mặt bằng cho cửa hàng 100m2 này vẫn hơn 100 triệu đồng/tháng cho mỗi tháng phải đóng cửa vì dịch.
Chị Nguyễn Thu Phương – quản lý cửa hàng này cho biết, tình hình kinh doanh hết sức ảm đạm, khác hẳn với giai đoạn trước dịch. Hugo Boss nhanh chân triển khai kinh doanh online và các chương trình doanh thu nên vẫn may mắn giữ mức giảm chỉ một nửa so với các tháng trước.
Các đơn vị vừa được nhắc đến ở trên chỉ là một phần nhỏ trong số các doanh nghiệp đang lâm vào thế khó, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản vì giãn cách xã hội. Bên cạnh một số chủ nhà, đơn vị cho thuê mặt bằng chia sẻ bằng cách miễn, giảm phí thuê, hiện không ít các doanh nghiệp cho biết nhưng nhiều chủ nhà không giảm, thậm chí khi được trả lại mặt bằng đã đưa ra nhiều điều kiện khó khăn đối với doanh nghiệp.
“Hiện chưa có đủ cơ sở để yêu cầu chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt của chủ nhà”, anh Hoàng Anh Thái nói. Anh cùng nhiều đơn vị khác bày tỏ mong muốn Chính phủ xác nhận COVID-19 là sự kiện bất khả kháng để có cơ sở pháp lí đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng kinh doanh
Chủ nhà cũng lâm thế khó
Trong khi không ít người thuê nhà than thở, thậm chí trách móc chủ nhà đã không giảm giá thuê trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì ở chiều ngược lại, những người cho thuê nhà cho biết họ cũng đang khổ tâm vì không thể giảm tiền thuê bởi họ cũng khó khăn không kém.
Sau khi nhận được “tâm thư” qua tin nhắn của người thuê nhà, ông Nguyễn Văn Phong – một người cho thuê nhà làm nhà hàng rộng hơn 400m2 trên mặt đường La Thành (Hà Nội) bày tỏ ông rất áy náy vì không san sẻ được khó khăn với người thuê.
Ông cho biết, để có tiền dựng ngôi nhà cho thuê hiện tại, gia đình ông phải thế chấp sổ đỏ của mảnh đất này để vay ngân hàng. Hiện ông đang gánh khoản nợ hơn 3 tỷ đồng và hàng tháng phải trả ngân hàng cả gốc và lãi lên đến khoảng gần 35 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, 2 đứa con ông mất việc, ở nhà hoàn toàn từ khi bùng phát dịch COVID-19, bản thân ông bà không có lương hưu. Toàn bộ chi phí đều trông chờ vào khoản tiền từ cho thuê nhà hàng 45 triệu đồng/tháng. Cũng vì thế, dù rất muốn nhưng ông không thể hỗ trợ giảm trừ tiền thuê.
Từ góc độ kinh doanh, chị Trần Mai Anh - chủ nhà đang cho thuê làm salon tóc trên phố Chùa Láng (Hà Nội) – thẳng thắn nêu quan điểm: “Khi kinh doanh, chủ cửa hàng phải có dự phòng, tính toán đến những rủi ro. Nếu vấp khó khăn, không được giúp đỡ mà đã không trụ nổi thì tốt nhất nên giải tán. Đó mới đúng là kinh tế thị trường”.
Chị cũng cho rằng thời buổi khó khăn vì dịch bệnh, đâu phải chỉ người đi thuê mặt bằng gặp khó khăn mà cả những người cho thuê, cả xã hội bị ảnh hưởng.
“Thuyền to thì sóng cả, những người chủ mặt bằng như chúng tôi chả chắc sung sướng hơn người đi thuê ở thời điểm này, bởi chúng tôi cùng lúc phải chịu rất nhiều chi phí, từ tiền vốn đầu tư, tiền lãi ngân hàng, tiền vận hành hệ thống, sửa chữa nhà định kì,…
Trong khi đó, để có mặt bằng cho thuê, chúng tôi phải bỏ nhiều công nhiều của, phải cho thuê ổn định trong 15 – 20 năm mới có thể thu hồi vốn”, chị Mai Anh nói.