Doanh nghiệp chủ động vượt khó thời Covid-19
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu hoặc chậm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp tại TP HCM có những giải pháp vượt qua khó khăn này để duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.
Công ty TNHH Pouchen, quận Bình Tân, TP HCM có hơn 62.000 lao động, mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 5 triệu đôi giày xuất khẩu. Nguyên liệu sản xuất của công ty khoảng 60% là nhập khẩu, trong đó có nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Do dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty.
Trước tình hình này, công ty chuyển sang tăng cường tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế, như các loại vải lưới, vải da, vải nhân tạo… Đồng thời, công ty tìm nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước khác. Hiện công ty duy trì sản xuất và từ tháng 3 sẽ không tăng ca như trước đây.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen, quận Bình Tân, TP HCM cho biết: "Để duy trì ổn định việc làm cho người lao động và đảm bảo sản xuất, công ty thay thế các nguồn nguyên liệu của các nhà cung cấp khác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… thay thế nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Chúng tôi ưu tiên chọn nguồn nguyên liệu trong nước thay cho nguyên liệu đang thiếu hụt hiện nay”.
Còn tại Khu Công nghệ cao của TP HCM, nơi có hơn 80 doanh nghiệp, mỗi năm xuất khẩu hơn 17 tỷ USD. Trước khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều công ty như Nidec Việt Nam, Jabil Việt Nam, Samsung … được công ty mẹ (tập đoàn) điều phối nguồn nguyên liệu từ các nhà máy ở các nước khác về để ổn định sản xuất.
Đồng thời, các công ty này cũng tìm nguồn nguyên liệu ở các nước khác về thay thế cho nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Song song đó, nhiều công ty cũng tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đây là xu hướng của các doanh nghiệp ở đây đang áp dụng.
Vì hiện nay, các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP HCM mới sử dụng khoảng 28% nguyên liệu trong nước làm hàng xuất khẩu. Trước tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sẽ sử dụng khoảng 50% nguồn nguyên liệu trong nước.
Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết: "Song song với những giải pháp điều phối nguồn nguyên liệu từ công ty mẹ thì doanh nghiệp tìm nguồn hàng thay thế từ Việt Nam và các nước khác Trung Quốc.
Nguồn nguyên liệu các nước khác như Nhật Bản, khối châu Âu, Mỹ… nhưng các nước này chi phí nguyên liệu cao hơn nên các doanh nghiệp FDI đang có chiến lược đẩy mạnh tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam”.
Còn các doanh nghiệp trong nước thì có cách ứng phó riêng để vượt qua khó khăn này. Cụ thể, như Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mì, sản xuất các loại bột làm bánh, hiện nay công ty không bị ảnh hưởng nguồn nguyên liệu, vì hạt lúa mì nhập từ Mỹ và châu Âu.
Thị trường xuất khẩu ở 30 nước không bị ảnh hưởng, nhưng thị trường trong nước bị giảm sút khoảng 20% do dịch bệnh nên nhà hàng, bếp ăn tập thể giảm tiêu thụ. Để duy trì việc làm cho 500 lao động, công ty đã đưa ra thị trường sản phẩm mới, đó là mì sợi thanh long.
Sản phẩm được làm từ bột mì và trái thanh long. Sản phẩm được người tiêu dùng tiếp nhận khá tích cực. Hiện nay, mỗi ngày công ty cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, tiểu thương ở chợ tại các tỉnh, thành phía nam khoảng 2 tấn sản phẩm này, trong đó sử dụng hơn 1 tấn nguyên liệu thanh long.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mì cho biết, việc đưa ra sản phẩm mới vừa góp phần nâng cao giá trị nông sản, vừa tạo ra sản phẩm mì sợi mới cho thị trường, sản phẩm mới, lạ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ thị trường trong nước trong thời điểm khó khăn này.
Còn ở lĩnh vực giày thì Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Tiến Phát duy trì việc làm cho 300 lao động bằng cách nhận làm hàng gia công cho doanh nghiệp khác.
Đồng thời, đơn hàng mới của công ty từ Italia với hơn 120.000 đôi giày trấu thì công ty đàm phán với đối tác kéo dài thời giao hàng để công ty nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác.
Cụ thể, nguyên liệu PU trước đây nhập từ Trung Quốc thì công ty chuyển sang nhập từ Thái Lan. Còn chất liệu da bò thì công ty nhập từ Ấn Độ, Pakistan… Về lâu dài công ty sẽ đa dạng nguồn cung cấp nhằm đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Trước khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Tiến Phát đề nghị thành phố có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp.
Theo ông Vũ: "Tôi đề nghị nhà nước giảm bớt cho doanh nghiệp đóng mức bảo hiểm, vì trong những lúc sản xuất hàng hóa ít mình cho công nhân nghỉ bớt ngày làm chờ việc nhưng vẫn đóng đủ bảo hiểm xã hội nên giảm cho doanh nghiệp những tháng dịch bệnh, giảm thuế cho doanh nghiệp, có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn dễ hơn, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp”.
Với một số giải pháp nêu trên, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM bước đầu đã vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Tuy nhiên để doanh nghiệp vững vàng vượt qua khăn này thì rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là chính sách giảm thuế, hỗ trợ vốn vay...
Qua dịch bệnh này cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để mở rộng sản xuất.