Đồ nội thất gỗ Việt Nam vào EU 27 dễ dàng hơn nhờ EVFTA
Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 10/2 của Bộ Công Thương cho biết theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU 27 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối trong 10 tháng năm 2020 đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 3,75 tỷ Eur, tương đương 4,5 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
EU 27 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường ngoài khối nhiều nhất từ Trung Quốc trong 10 tháng năm 2020, lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm 44,2% tổng lượng nhập khẩu.
Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Việt Nam với lượng chiếm 7,7% tổng lượng nhập khẩu, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam đạt 111.390 tấn, trị giá 370,78 triệu Eur, tương đương 444,9 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm nhẹ về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, tận dụng lợi thế khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do EVFTA giữa EU và Việt Nam, ngành gỗ đã giảm được căn bản các rào cản phi thuế quan như: truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình khi xuất hàng, tạo uy tín thương hiệu gỗ Việt Nam...Điều này sẽ giúp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam vào thị trường EU 27 sẽ dễ dàng hơn.
Trong 10 tháng năm 2020, EU 27 nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm cả về lượng và trị giá, trừ mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ (mã HS 940350) tăng.
Trong đó, nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ của EU 27 trong 10 tháng năm 2020 đạt 275.480 tấn, trị giá 561,59 triệu Eur, tương đương 673,9 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
EU 27 nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2020 đạt 78,79 nghìn tấn, trị giá 163,66 triệu Eur, tương đương 196,39 triệu USD, tăng 4,2% về lượng nhưng giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất phòng ngủ lớn thứ 9 cho EU 27, đạt 9.760 tấn, trị giá 35,35 triệu Eur, tương đương 42,42 triệu USD, giảm gần 7% về lượng và giảm hơn 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.