|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng Big4 thiếu vốn?

08:07 | 19/05/2020
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh là rất cần thiết và cấp bách. Nếu không được tăng vốn, các ngân hàng có thể phải dừng tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng Big4 thiếu vốn?  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Những ngân hàng có sở hữu trên 50% của Nhà nước hay còn được gọi là nhóm Big4 gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV là những "ông lớn" với vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống ngân hàng. 

Với tỉ trọng huy động vốn và cho vay đối với nền kinh tế lớn chiếm tỉ trọng khoảng 50% toàn hệ thống, "sức khoẻ" của các nhà băng này ảnh hưởng mạnh tới hoạt động chung của toàn ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô. 

Tuy nhiên, do không được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ trong nhiều năm, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của cả 4 ngân hàng suy giảm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân các tổ chức tín dụng trong nước.

Vấn đề tăng vốn cho nhóm các ngân hàng có phần lớn sở hữu của Nhà nước đã được nhắc đến từ khá lâu và theo dự kiến kế hoạch năm 2020 là năm quyết định việc này. 

Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng thiếu vốn?

Nhận định trong báo cáo gửi Bộ Chính trị, Chính phủ, NHNN cho rằng việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng hiện rất cần thiết và cấp bách.

"Trường hợp không được tăng vốn, để đảm bảo an toàn trong hoạt động theo qui định, các ngân hàng phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế", báo cáo nêu rõ.

NHNN cho rằng nếu không được tăng vốn, trong năm 2020, các ngân hàng như Agribank, VietinBank dự kiến phải giảm mạnh dư nợ tín dụng trong khi nhu cầu vay vốn hiện tại là rất lớn, nhiều dự án quan trọng đang trong tiến độ giải ngân. 

VietinBank dự kiến giảm 90.000 tỉ đồng dư nợ trong khi Agribank dự kiến giảm 170.000 tỉ đồng.

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị giảm sẽ có nguy cơ suy giảm vai trò, vị thế của các ngân hàng này trong thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các ngân hàng cổ phần có qui mô vốn điều lệ ngày càng tiệm cận với nhóm Big4 và nhiều ngân hàng đã đáp ứng chuẩn mức Basel II.

Mức thiếu hụt vốn theo ước tính của NHNN vào tháng 11/2019 để đáp ứng chuẩn mực Basel II (năm 2020) của các ngân hàng dao động từ 6.200 tỉ đồng đến hơn 26.000 tỉ đồng. 

NHNN dự kiến tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tại thời điểm 31/12/2019 của VietinBank chỉ đạt 5,89%, Vietcombank là 7,43%, BIDV là 4,35%, Agribank khoảng 6,9%. Theo đó, để đáp ứng CAR theo qui định mới, ngay đầu năm 2020, VietinBank dự kiến thiếu hụt 26.630 tỉ đồng, BIDV dự kiến thiếu hụt 41.672 tỉ đồng; Agribank dự kiến thiếu hụt 11.500 tỉ đồng; Vietcombank dự kiến thiếu hụt 6.248 tỉ đồng.

Đến đầu năm 2021, VietinBank dự kiến thiếu hụt 35.705 tỉ đồng, Vietcombank dự kiến thiếu hụt 19.827 tỉ đồng, BIDV dự kiến thiếu hụt 54.025 tỉ đồng, Agribank dự kiến thiếu hụt 19.000 tỉ đồng.

(Số liệu theo báo cáo vào tháng 11/2019 của NHNN)

Với hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng thiếu hụt vốn, nguy cơ không đáp ứng được hệ số Basel theo thuẩn mới, các ngân hàng mặc dù có qui mô khổng lồ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Mặc dù trên thực tế Vietcombank và BIDV đã đáp ứng Basel II trước thời hạn, nhưng nếu không được tăng vốn cả hai ngân hàng sẽ không thể đáp ứng được hệ số an toàn vốn theo qui định mới.

Trước tình hình cấp bách đó, Chính phủ cũng đã họp bàn về giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Tong đó thống nhất giải pháp trước mắt là cho phép các ngân hàng này tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế (LNST), sau trích lập các quĩ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. 

Đồng thời, cho phép Agribank sử dụng số lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ, điều này trái với qui định được đặt ra trước đó là không dùng ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng, do vậy Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội trong kì họp này.

Mỗi "ông lớn"... một vấn đề

Bốn ngân hàng có cùng chung một mục tiêu là tăng vốn, nhưng mỗi ngân hàng lại có những vấn đề khác biệt cần phải đối mặt tháo gỡ. 

Theo đánh giá từ NHNN, đối với Agribank, mặc dù đã triển khai quyết liệt các giải pháp trên, Agribank vẫn không đủ vốn để đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo qui định. Trong khi đó, giải pháp tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu không thể thực hiện tiếp do đã tiệm cận ngưỡng giới hạn tối đa theo qui định. 

Đồng thời, giải pháp cổ phần hóa để tăng vốn từ thị trường hiện đang chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Với mạng lưới kinh doanh trải rộng trên cả nước, tài sản đất đai của Agribank rất lớn, việc xác định giá trị nhà đất là hết sức phức tạp, khó có thể hoàn thành trong năm 2020. 

Do vậy, giải pháp khả thi duy nhất hiện nay đối với Agribank là sử dụng số lợi nhuận Agribank nộp ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. Năm 2019, Agribank dự kiến đóng 3.450 tỉ đồng vào ngân sách (đã nộp 2.975 tỉ đồng 3 quí đầu năm) và dự kiến đóng 3.500 tỉ đồng trong năm 2020.

Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng Big4 thiếu vốn?  - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Lovepik).

Còn tại VietinBank, giải pháp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư không thực hiện được do tỉ lệ sở hữu nhà nước (64,45%) hiện đã dưới giới hạn tối thiểu qui định; giải pháp phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 cũng không thể tiếp tục thực hiện do đã phát hành hết hạn mức trái phiếu để tăng vốn cấp 2. 

Do vậy, giải pháp khả thi duy nhất hiện nay là sử dụng LNST, sau trích lập các quĩ để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phần. 

NHNN đề nghị tăng vốn cho VietinBank bằng toàn bộ LNST, sau trích lập các quĩ của năm 2017, 2018 để tăng vốn điều lệ cho năm 2019; của năm 2019 để tăng vốn điều lệ cho năm 2020.

Trong đó, cổ tức được chi trả bằng cổ phần cho cổ đông Nhà nước dự kiến giai đoạn 2019 - 2020 là 7.239 tỉ đồng.

Đối với Vietcombank, BIDV, hai ngân hàng đã nỗ lực tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. 

Trên thực tế, Vietcombank và BIDV đã được cấp thẩm quyền chấp thuận thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài lần lượt là 10% và 15% vốn cổ phần trong năm 2018. Tuy nhiên thực tế hai ngân hàng không thực hiện được đúng theo kế hoạch. 

Vietcombank chỉ phát hành thành công 3% vốn cổ phần do thị giá cổ phiếu tăng cao trong khi BIDV đến nay mới chốt giao dịch tìm kiếm cổ đông nước ngoài và đang hoàn tất các thủ tục để tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana. 

Mặc dù đã nỗ lực phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, tuy nhiên, giải pháp này có chi phí cao và rất phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường. Để có thể thực hiện được giao dịch phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo thỏa thuận, BIDV không thực hiện tăng vốn điều lệ  từ biện pháp chi trả cổ tức bằng cổ phần năm 2019, tuy nhiên, vẫn cần thực hiện giải pháp trên đối với năm 2020. 

Do đó, phương án tăng vốn của BIDV là sử dụng 70% LNST, sau trích lập các quĩ của năm 2019 để tăng vốn điều lệ cho năm 2020 do BIDV phải nộp ngân sách nhà nước cổ tức tiền mặt năm 2017 và 2018 với tỉ lệ 7%. Trong đó, cổ tức được chi trả bằng cổ phần cho cổ đông Nhà nước dự kiến giai đoạn 2019- 2020 là 3.177 tỉ đồng.

Đối với Vietcombank, để đảm bảo tỉ lệ CAR tối thiểu theo qui định, yêu cầu tăng vốn điều lệ từ một phần LNST sau trích lập các quĩ cho năm 2019, 2020 thông qua biện pháp chi trả cổ tức bằng cổ phần là cần thiết.

Phương án được đề xuất với Vietcombank là sử dụng là toàn bộ LNST, sau trích lập các quĩ và chi trả cổ tức tiền mặt tỉ lệ 8% năm 2018 để tăng vốn điều lệ cho năm 2019; 70% LNST sau trích lập các quĩ năm 2019 để tăng vốn điều lệ cho năm 2020. Cổ tức được chi trả bằng cổ phần cho cổ đông Nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2020 ước là 10.460 tỉ đồng.

Trường hợp các ngân hàng được tăng vốn điều lệ như đề xuất của NHNN, qui mô vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ thay đổi như sau: VietinBank tăng từ 37.234 tỉ đồng lên 44.000 tỉ đồng; Vietcombank tăng từ 37.088 tỉ đồng lên 43.791 tỉ đồng; Agribank tăng từ 30.473 tỉ lên 33.973 tỉ đồng

Diệp Bình